Đêm 14 tháng giêng, đền Trần (Nam Định) tổ chức khai ấn với hơn 10.000 khách tham dự. Dù thời điểm phát ấn được công bố là 5h30 sáng hôm sau, hàng nghìn người đã đến từ nửa đêm, đợi chờ trong mưa lạnh để được nhận những lá ấn đầu tiên. Người cầu phát tài năm mới, người mong sức khỏe, bình an, may mắn...
Trong các nhà Giải Vũ, hàng chục người của nhà đền làm việc hết công suất. Ban tổ chức liên tục nhắc nhở trên loa thông báo cho du khách biết rằng không cần chen lấn, xô đẩy, nhà đền đảm bảo có đủ ấn phát ra.
Anh Thanh (37 tuổi), phó phòng một công ty xuất nhập khẩu ở Hà Nội cho biết, đi xin ấn đền Trần với mong muốn công việc trong năm mới sẽ hanh thông mọi bề. Những năm trước, anh không trực tiếp đến xin ấn mà nhờ bạn bè xin rồi mang về cho. "Lá ấn có thiêng như lời đồn hay không thì mình không biết, nhưng vẫn muốn xin cho tâm lý được thoải mái", anh nói.
Cùng nhóm đồng hương Hải Phòng ngồi co ro trong sân chờ đến lúc phát ấn, bà Đào Thị Cảnh (52 tuổi) nói đây là lần đầu tiên đi xin ấn vì nghe người cùng làng nói đền Trần rất thiêng. "Làm nông dân, có gì đâu mà xin thăng quan tiến chức, chỉ xin cho con cái học hành tấn tới, gia đình khỏe mạnh, bình an", bà Cảnh nói.
Cũng đi xin ấn với mục đích cầu khỏe mạnh, bình an, ông Lê Văn Bài (80 tuổi, ở Thanh Hóa) nói: "Tôi tới đây từ 4h sáng nhưng người đông quá, không chen nổi để vào lễ bái được. Xếp hàng lâu thì mệt, tôi mong nhà đền phát mau mau để còn về".
Trưởng ban tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần, bà Phạm Thị Oanh (Phó chủ tịch TP Nam Định), cho biết hiện chưa có thống kê cụ thể về số ấn phát hành. Năm 2015, đền Trần phát ra khoảng 400.000 lá ấn. Đêm khai ấn 14 tháng giêng (21/2), đền đón khoảng 10.000 người dự lễ.
"Ấn đền Trần chỉ là chiếc ấn bình thường của phủ, đền"
Năm 2011, trong đề án "Khôi phục lễ hội đền Trần", các chuyên gia lịch sử, ấn tín cùng các nhà văn hóa dân gian đã xác định, chiếc ấn dùng trong lễ khai ấn đền Trần hiện nay không liên quan gì đến triều chính mà chỉ là chiếc ấn bình thường của phủ đền xưa, làm bằng gỗ. Do vậy, ấn không mang lại lợi lộc trong thăng quan tiến chức như nhiều người lầm tưởng.
"Phủ Thiên Trường xưa - nơi các thái thượng hoàng nhà Trần về nghỉ ngơi được coi như một phần của triều chính. Trong thiết triều nhà Trần có việc đóng ấn, khai ấn, tượng trưng cho kết thúc năm cũ và mở đầu năm làm việc mới. Vì địa điểm được coi là thiết triều nên người ta coi đây là ấn triều chính. Điều này không đúng", PGS.TS Lương Hồng Quang, Viện phó Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), người trực tiếp thực hiện đề án cho biết.
PGS Quang giải thích, theo truyền thống, nhất là đạo giáo thường có những hình thức bùa chú dùng để trấn yểm, phù trợ cho con người khi khoa học chưa phát triển. Trong đền, phủ luôn có các ấn mang tính chất hộ mệnh và chiếc ấn đền Trần cũng có ý nghĩa như vậy. Chữ "Phúc" trong bốn chữ "Tích phúc vô cương" khắc trên viền bản ấn được các giáo sư Hán học và chuyên gia ấn tín diễn nôm ra là phúc đức dài lâu, nối tiếp, kéo dài chứ không thể hiểu đơn giản là phúc lộc.
Ông cho rằng đang có một cuộc khủng hoảng về giá trị của ấn đền Trần, lá ấn cũng như lễ khai ấn. Xưa kia, khai ấn đền Trần là lễ hội mang tính chất vùng miền của tỉnh Nam Định, nhưng hiện giờ có xu hướng mở rộng với sự tham gia của nhiều người, thậm chí là quan chức. Lễ hội tạo ra tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương, nơi người ta kiếm ra tiền, làm du lịch... Do vậy, người ta gán ghép cho nó các ý nghĩa mới để thu hút người tham dự. Quy luật lan truyền mạnh của văn hóa dân gian cùng với tác động của truyền thông cũng góp phần rất lớn vào câu chuyện này.
"Những điều trên đang diễn tiến rất mạnh trong xã hội hiện nay. Nó làm cho không chỉ lễ khai ấn đền Trần mà còn nhiều lễ hội khác trở thành nơi thờ, nghi thức thờ, thổi cho thần linh giá trị, ý nghĩa mới, khác xa so với mục đích ban đầu", ông nói.
Nói về việc vo tiền ném kiệu rước ấn, trèo rào, cướp lộc, vặt hoa, thậm chí trèo cả lên ban thờ của người đi lễ, ông Quang cho rằng bản thân họ không được giáo dục về di sản, về truyền thống nên mới có những hành động trên. Ngày xưa, ông bà dạy con cháu những khuôn mẫu, thế nào là 3 lạy, 5 lạy và có ý nghĩa gì. Có thể con cháu không hiểu hết nhưng thực hành rất tốt.
"Trong mấy chục năm qua, chúng ta không giáo dục di sản, rất nhiều khuôn mẫu truyền thống không trao truyền lại. Ngay như tôi gọi là có nghiên cứu nhưng nhiều khuôn mẫu truyền thống cũng không biết. Xưa, người ta tới đình chùa với lòng thành kính, không mang ý niệm về sự trao đổi. Nhưng giờ thì khác, con cúng thần thánh thế này thì ngài phù hộ cho con đạt được cái kia", ông phân tích. Nhìn từ góc độ cung ứng, người xin lộc quá nhiều mà lộc chỉ có một phần, "không tranh cướp mới là chuyện lạ". Ban tổ chức phải có phương án giãn cách đám đông khách tham dự với nơi thờ tự. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng tranh cướp, hỗn loạn như nhiều năm qua.
Năm nay, lễ hội khai ấn đền Trần diễn ra từ ngày 18 đến 23/2 (tức ngày 11 đến 16 tháng giêng năm Bính Thân) với 3 nghi lễ truyền thống là khai ấn, rước kiệu Ngọc Lộ và rước nước tế cá. Lễ khai ấn diễn ra đêm 21/2 trở nên hỗn loạn khi hàng nghìn người trèo rào, xông vào trong đền để vặt lộc, cướp hoa... bất chấp nghi lễ tôn nghiêm nơi đền, chùa. Lễ phát ấn rạng sáng 22/2 có hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy để giành được lá ấn sớm. Những năm trước, lễ khai ấn đền Trần đều hỗn loạn, bát nháo khi người dân trèo lên đầu nhau để mua ấn trong sự bất lực của các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự.
Hoàng Phương