Trả lời:
Khi cơm nguội để tủ lạnh, lượng tinh bột kháng (resistance starch) tăng đáng kể. Tinh bột kháng gần giống một dạng chất xơ hòa tan, với nhiều công dụng cho sức khỏe, bao gồm giúp cơm tiêu hóa chậm hơn, từ đó no lâu hơn, bạn cũng có xu hướng ăn ít hơn, đồng thời tăng độ nhạy insulin. Một số lợi ích khác của tinh bột kháng như lợi khuẩn đường ruột, giảm táo bón, đầy hơi, khó tiêu, hỗ trợ điều trị các rối loạn tiêu hóa do viêm ruột như viêm loét đại tràng, tiêu chảy.
Khi bổ sung tinh bột kháng buổi sáng, đến trưa ăn cơm thông thường, lượng đường huyết sẽ ít bị tăng vọt hơn (so với việc sáng ăn tinh bột thông thường). Lượng tinh bột vào cơ thể được phóng thích thành glucose chậm rãi chứ không ồ ạt, nhờ đó cơ thể vẫn lấy mỡ thừa làm năng lượng, thay vì chỉ ưu tiên lấy đường, từ đó hỗ trợ giảm mỡ.
Ngoài ra, một số nguồn giàu tinh bột kháng khác bao gồm chuối xanh (canh chuối chát, canh chuối nấu mẻ, thịt luộc cuốn chuối chát), khoai, các loại hạt dinh dưỡng, các loại đậu.
Dù vậy, bạn không nên tùy tiện lấy cơm đang nóng, làm nguội sau đó cho vào tủ lạnh thành tinh bột kháng, ăn thường xuyên để giảm mỡ. Trường hợp còn thừa cơm bữa trước, bạn bảo quản ngăn mát tủ lạnh, mỗi lần ăn lấy ra một lượng theo khẩu phần cá nhân hóa, sau đó chọn 1 trong 2 cách sau:
- Làm nóng lại nhanh bằng cách cắm lại, hâm lò vi sóng hoặc bỏ lên chảo đảo nhanh, ăn như thông thường. Lượng tinh bột kháng vẫn sẽ còn chút ít.
- Ăn luôn, không cần làm nóng, nhưng phải ăn với món nóng như canh, súp.
Những người hệ tiêu hóa yếu, ăn đầy hơi khó tiêu, tốt nhất vẫn nên ăn cơm nóng, đặc biệt muốn giảm cân, giảm mỡ nên ăn cơm lứt nóng. Nhìn chung, không lạm dụng hoặc thay thế cơm nóng bằng cơm nguội. Nếu thấy cơm có dấu hiệu hỏng, bạn nên loại bỏ. Tạo thói quen nấu lượng vừa đủ bữa ăn, tránh để cơm thừa nhiều gây lãng phí. Cơm nguội có thể bảo quản trong tủ lạnh nhưng không nên dự trữ quá lâu.

Ảnh minh họa: Hương Thùy
Bác sĩ Phan Thái Tân
Huấn luyện viên sức khỏe giảm cân