AmCham: Vụ kiện tôm là phi lý
Adam: "Tôi hy vọng Việt Nam sẽ dành thắng lợi trong vụ kiện bán phá giá tôm". |
- Thưa ông, AmCham ủng hộ bên nào trong vụ kiện bán phá giá tôm?
- Chúng tôi, tổ chức với 700 doanh nghiệp thành viên, chủ yếu là từ Mỹ, ủng hộ Việt Nam và mong rằng Việt Nam sẽ dành thắng lợi trong vụ kiện. Rõ ràng ngành công nghiệp tôm của Mỹ đang kém sức cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, đặc biệt là từ các nước châu Á. Các quốc gia xuất khẩu tôm đã sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất trong nuôi trồng, đánh bắt, dẫn tới giá thành hạ, trong khi các doanh nghiệp Mỹ không làm được điều này.
- Như vậy phải chăng cứ khi nào thua thiệt trên sân nhà, các doanh nghiệp Mỹ lại sử dụng công cụ kiện bán phá giá?
- Không chỉ có Việt Nam mà rất nhiều nước phải đối mặt với các vụ kiện bán phá giá tại Mỹ, chẳng hạn năm ngoái Ấn Độ có tới 85 vụ. Nguyên nhân của tình trạng này là do về cơ bản, Mỹ ủng hộ tự do thương mại, nhất là các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Nhưng cũng như các nước, Mỹ có các hàng rào bảo hộ một số ngành công nghiệp trong một số giai đoạn nhất định, trong đó có công cụ thuế bán phá giá.
Cũng nên hiểu các vụ kiện bán phá giá theo hướng: ngành sản xuất của một nước nào đó bị kiện đã phát triển mạnh, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới nên mới bị kiện bán phá giá. Cũng như con cá basa, tôm Việt Nam đang là mặt hàng có ưu thế mạnh trong xuất khẩu đi nhiều nước - điều này cho thấy ngành thuỷ sản Việt Nam những năm gần đây đã tiến bộ vượt bậc. Vụ kiện tôm chính là một dấu hiệu thắng lợi của thuỷ sản Việt Nam.
- Ông nhận định ra sao về tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ?
- Vài năm trở lại đây, doanh nghiệp Mỹ đã quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam. Khó ai ngờ được là năm vừa qua, giá trị buôn bán giữa hai nước lại lên đến gần 6 tỷ USD, giúp Mỹ là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Trong lĩnh vực đầu tư, hiện Mỹ đứng thứ 11 về số vốn cam kết, nhưng thực ra nếu xét theo nguồn gốc vốn đầu tư thì thứ hạng này phải là 4 hoặc 5 vì các doanh nghiệp Mỹ còn đầu tư vào Việt Nam gián tiếp qua các nước.
Năm nay và những năm tiếp theo, chúng tôi hy vọng quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước tiếp tục được cải thiện. AmCham sẽ đóng góp tích cực cho quá trình này, đặc biệt là sự ủng hộ mạnh mẽ việc Việt Nam gia nhập WTO.
- Ông có lời khuyên gì đối với các doanh nghiệp Việt Nam muốn tìm đối tác tại Mỹ?
- Tại Mỹ, có rất nhiều các luật lệ, quy tắc mà doanh nghiệp Việt Nam cần biết nếu muốn đưa hàng sang đây. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin, tìm thật nhiều đối tác quốc tế có kinh nghiệm làm ăn tại Mỹ. Một biện pháp hữu hiệu là các doanh nghiệp Việt Nam có thể liên kết với nhau để có sức mạnh lớn hơn.
Đối với Chính phủ, ngoài việc đẩy nhanh cải cách, giảm bớt hàng rào thuế, chi phí giao dịch… thì vấn đề quyền sở hữu trí tuệ cần được đặc biệt lưu tâm. Các doanh nghiệp Mỹ thường đầu tư vào những quốc gia có môi trường kinh doanh minh bạch, luật pháp được thực hiện nghiêm minh, không có tham nhũng.
Cần nói thêm rằng, Việt Nam nên có nhiều “người bạn thân” là chủ các tập đoàn có uy lực tại Mỹ. Khi cần thiết, các doanh nhân này sẽ giúp ích rất nhiều…
Kim Minh