Nhiều người vẫn thường ca ngợi Việt Nam là thiên đường ẩm thực. Thực tế đúng là vậy, nhưng tại sao vẫn chưa thu hút khách du lịch đến để thưởng thức ẩm thực?(tôi chỉ đề cập ẩm thực, không đề cập vấn đề khác liên quan đến du lịch).
So với Thái Lan, ẩm thực ta không hề thua kém. Nhưng sang đó, khách du lịch ăn uống món Thái rất nhiều, khắp các nơi từ quán nhỏ ven đường, chợ cho tới nhà hàng. Tôi có những cảm nghĩ như sau:
Thứ nhất, làm theo cảm tính và sở thích cá nhân
Khách du lịch đương nhiên muốn thưởng thức những món ăn ở đất nước họ tới chơi. Khi tư vấn khách du lịch về món ăn, lẽ thường tình ta phải chọn món ăn đầu tiên không quá nặng mùi (mắm tôm, mắm nêm...) để khách làm quen.
Nhưng thực tế, không hiếm trường hợp oái ăm. Tôi làm ở công ty đa quốc gia. Khi đồng nghiệp người Âu, Mỹ, Nhật, Singapore... đi ăn do tôi mời, món ăn mà đồng nghiệp người Việt Nam chọn lại là hột vịt lộn, bê thui mắm nêm, thịt heo luộc chấm mắm nên, đây là những món đồng nghiệp người Việt của tôi thích.
Sau lần đi ăn ấy, những đồng nghiệp nước ngoài của tôi nói rằng món ăn Việt Nam nặng mùi quá và không hợp với họ, dẫn tới việc họ không còn mặn mà quan tâm đến món ăn Việt nữa. Khi có dịp đi ăn chung, họ thích chọn nhà hàng buffet hơn để có nhiều sự lựa chọn.
Thứ hai, nhà hàng trong khách sạn cần được quan tâm hơn
Ai cũng vậy, hầu như khi đặt chân tới quốc gia nào đó thì phải tới khách sạn đầu tiên, và thường dùng bữa ngay tại khách sạn. Món phở Việt Nam rất nổi tiếng, nên khách nước ngoài tôi quen biết đều chọn món phở là món đầu tiên họ ăn khi đặt chân đến.
Phải nói rằng, món phở trong nhiều nhà hàng của khách sạn dở tệ. Nước lèo chắc chỉ được nêm muối, bột nêm và hương liệu tạo mùi phở mà thôi, tôi ăn mà cũng nuốt không trôi, nói gì tới khách nước ngoài kia.
Tôi nói ăn phở ở những tiệm phở lâu năm mới ngon, thì khách miễn cưỡng nở nụ cười và nói sẽ đi ăn thử lần nữa.
Thứ ba, cung cách phục vụ
Tới một tiệm phở khá nổi tiếng tại quận trung tâm và mời khách Tây vào ăn, thì lại gặp vấn đề: Khăn giấy trong ống nhựa trên bàn dùng là giấy vệ sinh (cuộn tròn), còn người bưng phở khi bưng tô phở ra thì ngón tay họ chạm vào nước lèo của tô phở khiến khách Tây rất khó chịu.
Vì như vậy mà họ miễn cưỡng ăn nên có thể họ không còn cảm giác ngon, mặc dù phải nói phở ở đây vị rất ngon đối với tôi. Nếu như tiệm ăn dùng khăn giấy đúng nghĩa và người phục vụ có mang bao tay thì sẽ tạo cảm giác tốt cho khách, đặc biệt là khách nước ngoài.
Cháu tôi, sinh ra và lớn lên tại nước ngoài về nước chơi. Tôi dẫn đi ăn bánh cuốn để cháu biết. Gần nơi tôi ở có tiệm bánh cuốn gia truyền đã hơn 50 năm, khi vào quán, giấy lau và rau vươn vãi đầy trên sàn nhà, cháu tôi rất khó chịu và nói không hợp vệ sinh.
Là người Việt, tôi nghĩ đây là việc rất đỗi bình thường, nhưng với khách nước ngoài thì đây là biểu hiện của không vệ sinh, không an toàn thực phẩm. Ta không thể trách khách du lịch về vấn đề này, nhưng muốn thiên đường ẩm thực Việt được người nước ngoài biết đến nhiều và yêu thích, việc đầu tiên là các quán ăn cần phải chỉn chu.
Quán ăn dù có nhỏ nhưng sạch sẽ, thơm tho vẫn sẽ là yếu tố gây thiện cảm đầu tiên trước khi thưởng thức món ăn. Bản thân tôi và gia đình cũng vậy vào quán ăn mà sàn nhà dơ, giấy, rác thì đi về thôi, cho dù quán đông khách và món ăn rất ngon.
Thứ ba, thói quen
Tôi quan sát, đa phần khi nấu ăn, chúng ta, người nấu ăn chỉ dùng một cái muỗng hay đũa để nếm thử khi nấu ăn, thay vì phải dùng thêm một cái nữa để nêm nếm, và cái muỗng, đũa mà mình nếm không được nhúng vào món ăn đang nấu.
Anh tôi định cư ỏ nước ngoài, rủ bạn bè qua Việt Nam chơi, vừa du lịch, vừa thăm gia đình. Khi nấu ăn, cô tôi dùng muỗng nếm và muỗng đó cũng được nhúng vào nước lèo bún bò nhiều lần, khiến khách đến chơi chứng kiến việc nấu nướng đã từ chối ăn và đưa ra lý do có việc gấp cần phải đi (sau này họ phản hồi hồi cho anh tôi là việc nếm món ăn như vậy là không vệ sinh).
Tiếp đến, thói quen (dù có ý tốt) là gắp đồ ăn cho nhau. Lẽ ra, khi gắp thì ta có thể đảo đầu đũa để gắp nhưng lại dùng đầu mình đã dùng gắp đồ ăn và bỏ vào chén cho khách như một cử chỉ thân thiện.
Với một số người Việt và khách nước ngoài, việc này rất bẩn và có nguy cơ lây bệnh qua đường ăn uống. Cử nghĩ việc trân trọng, tạo sự thân thiện, quan tâm, nhưng ngược lại nó tạo cảm giác sợ, mất ngon cho khách đến nhà, và như vậy món có nấu ngon cỡ nào cũng không được cảm nhận.
Khách nước ngoài chưa quen ẩm thực Việt Nam, khi ta chọn món mời họ ăn món ăn Việt đầu tiên, thì nên chọn món không nặng mùi, không "kinh dị rất riêng" để khách dần dần quen, cảm nhận vị ngon của món ăn Việt như phở, bún chả, bánh mì, bánh cuốn, bánh xèo.
Đừng chọn những món như tôi kể trên: mắm tôm, mắm nêm, tiết canh, hột vịt lộn... là khách chết khiếp và dần ác cảm với món ăn Việt. Tiếp đến các món truyền thống Việt Nam trong nhà hàng của các khách sạn nên chỉn chu hơn trong cách nấu để gây thiện cảm đầu tiên với khách nước ngoài.
Và các nhà hàng, quán ăn nên thay đổi theo hướng tích cực để cả khách Việt lẫn khách nước ngoài bước vào đều trong sạch sẽ, khăn giấy phải là chính nó, có thùng rác đựng thực phẩm thừa tại mỗi bàn và nhân viên phục vụ cần mang bao tay.
Đồng nghiệp nước ngoài tôi kể trên, sau những món ăn mà họ cho là "kinh dị" tôi kể trên, sau niều năm họ cũng chỉ vào nhà hàng để ăn món Tây hay các nhà hàng người Hoa như Dimsum, họ không còn quan tâm đến món ăn Việt nữa.
Vài dòng góp ý để ẩm thực nước nhà được đưa ra thế giới đúng với câu "Việt Nam, thiên đường ẩm thực".
Dẫu vẫn biết rằng, không ít người nước ngoài khoái món ăn Việt, nhưng tôi chỉ đề cập cái không tốt để xã hội ta cùng nhìn nhận và thay đổi tích cực hơn.
Đình
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.