Chương trình giao hưởng khai mạc lễ hội âm nhạc đem đến 9 tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ các nước. Lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, festival "Âm nhạc mới Á - Âu" là dịp giới thiệu, quảng bá những thành tựu âm nhạc mới của các nhạc sĩ đương đại với nội dung đa dạng, phong phú từ thính phòng, hợp xướng đến giao hưởng, nhạc kịch... Mở đầu chương trình là bản khởi nhạc "Hồ Chí Minh" của nước Tatarstan. Với tình cảm quý trọng vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam, nhà văn hóa lớn của thế giới, tác giả đã viết tác phẩm này dành riêng cho lễ khai mạc. Sau đó, khán giả được thưởng thức "Bài ca tình yêu" đến từ Uzbekistan. Đây là hồi tưởng về tuổi trẻ với những kỷ niệm tình yêu êm đềm của đôi trai gái, một đám cưới được tổ chức trong vũ điệu âm nhạc dân gian. Qua hai tác phẩm, chỉ huy người Nhật Bản Honna Tetsuji tiếp tục dẫn dắt khán giả đến với giai điệu của "Nước mưa" (Pháp). Trong lịch truyền thống Trung Quốc, năm âm lịch được chia thành 24 phần theo chu kỳ năng lượng mặt trời. Tác phẩm này lần đầu tiên được thực hiện ở California (Mỹ) là một phần trong chu kỳ gọi là "Nước mưa". Tác phẩm được chia thành ba phần, một cấu trúc được tìm thấy trong nhiều bản nhạc cổ điển phương Tây cũng như trong một số loại hình âm nhạc của châu Á, chẳng hạn như trong nhạc cung đình Nhật Bản, Gagaku. Nhạc trưởng Nguyễn Thiên Đạo (Việt Nam) đem tới "Điểm hẹn" (Phần 1 và 4). Tác phẩm do dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đặt viết cho dịp kỷ niệm 60 năm Điện Biên Phủ, gồm 4 chương: Rồng Tiên, Tình ca, Sự xâm lăng và Thời nô lệ, khải hoàn. Tác phẩm được dàn nhạc giao hưởng Việt Nam chơi với đàn dây, bộ gõ, sáo, kết thúc trong tiếng nhạc hân hoan bằng cụm nốt tonal rê giáng trưởng. "Tamerlan's camp" được viết năm 2011, trích từ tác phẩm opera "Truyền thuyết về thành phố Yelets, Đức mẹ Mary và Tamerlan" của Nga khiến người nghe nhớ về ngày hội trong trại của Tamerlan sau khi thành phố Else bị đổ. Nơi đây xảy ra sự kiện lịch sử của cuộc tấn công của Tamerlan vào nước Nga năm 1495. Sau chiến thắng của Tamerlan, quân lính đã dừng lại hai tuần ở thành phố Else và sau đó đột ngột rút lui khỏi nước Nga. Sau các tác phẩm "Mùa xuân lặng yên" (Na Uy), "Koroglu" (Azerbaijani), "L'assaut sur la raison" (Australia), kết thúc đêm nhạc, Chủ tịch hội nhạc sĩ Việt Nam - Đỗ Hồng Quân chỉ huy bản "Dialogue" (Đối thoại) cho đàn bầu và dàn nhạc. Dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam và âm sắc độc đáo có một không hai của cây đàn bầu, "Đối thoại" là một hành trình tiến tới sự hài hòa của hai nền nghệ thuật âm nhạc Đông - Tây. Tác phẩm lần đầu tiên được trình diễn tại Việt Nam với màn trình diễn độc tấu đàn bầu của NSƯT Hoàng Anh Tú. Sau đêm khai mạc này, từ 9 đến 12/10, lễ hội "Âm nhạc mới Á - Âu" sẽ tiếp tục có các buổi biểu diễn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Nhà hát Lớn Hà Nội. Đặc biệt, chương trình hòa nhạc dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra tại Hang Đầu Gỗ (Quảng Ninh) vào trưa 11/10, chương trình "Giai điệu bạn bè" diễn ra tại Cung Văn hóa Việt - Nhật (Quảng Ninh) vào tối 11/10 với sự tham gia của NSND Quang Thọ, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, Nguyễn Ngọc Anh, Minh Quân, Nhật Thủy, Võ Hồng Quân… cùng một số nghệ sĩ các nước. Ý Ly Ảnh: Quang TrungFestival 'Âm nhạc mới Á - Âu' lần đầu tổ chức ở Việt Nam