(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Đoạn đường đi làm của tôi chừng chục cây số, từ ngã tư MK- Xa lộ Hà Nội (quận 9, TP HCM) đến Pearl Plaza (Bình Thạnh). Chỉ 10 cây số nhưng đó là một nỗi ám ảnh. Không phải tai nạn, không phải kẹt xe, thứ đáng sợ là "còi xe" nhất là còi hơi xe tải và đầu kéo.
Sáng nay, giữa cái nắng gay gắt đầu giờ, những người đi xe máy phải chui rúc giữa đám đông đang kẹt, một chiếc xe đầu kéo không thùng bấm còi từ ngã tư MK đến cầu Rạch Chiếc, ai nấy đều bùng nhùng lỗ tai.
Một người đàn ông đi xe máy, chở đứa bé ngồi ghế con phía đầu xe. Nghe tiếng còi đinh óc, đứa bé khóc vật vã ra, vùng vẫy. Ông bố với tay giữ đứa bé, tay còn lại vô ga đuổi theo chiếc xe nhưng đến Cầu Rạch Chiếc thì bất lực vì không thể chạy ra làn ngoài mà đuổi. Vừa đuổi theo chiếc xe, tay ông chỉ còn miệng thì chửi.
>> Giao thông Hà Nội tắc ùn - vì đường nhỏ hay lòng người chật hẹp
Luật thì có nhưng khó mà xử phạt vì căn cứ xác định vi phạm sử dụng còi trong khu đô thị rất khó. Đã thế thì để còi hơi làm gì? Những tuyến xe buýt chạy trong nội thành thì để còi hơi làm chi? Mà không ít vụ tai nạn đến từ xe buýt tấp vào lề bóp còi khiến người lái xe máy giật mình ngã ngửa.
Bước chân ra đường, tai nạn quả là điều đáng sợ, nhưng đối với nhiều người, còi xe vẫn ám ảnh hơn. Bước qua một số nước khác kề bên, xe đầy đường nhưng tiếng còi xe thì ít ngược lại nhiều so với ở Việt Nam.
Một khi ý thức con người còn kém thì hoặc triệt tiêu nguy cơ gây hại hoặc chế tài thật nặng. Nếu không những thiệt hại khác còn lớn hơn.
Như sáng nay chẳng hạn, nếu chẳng may người đàn ông đuổi kịp và chặn được chiếc xe, tôi không chắc chỉ mỗi cơ miệng của ông hoạt động. Cũng như nếu chiếc xe đứng lại, tôi không nghĩ cơ tay, chân của mình sẽ đứng yên. Và chừng đó thì thiệt hai không chỉ đến từ tiếng khóc vật vã của đứa nhỏ mà có khi có thêm tiếng khóc của tài xế.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiếntại đây.
Bùi Tâm Đức