Sau 10 năm lập nghiệp, có người đành trở về quê hương, sống cuộc đời giản đơn rau cháo qua ngày vì không tạo dựng được thành tựu gì nơi đất khách trong khi tương lai vẫn mịt mờ. Nhiều người vẫn đang khó khăn vất vả, vẫn chưa biết khi nào có thể có được mái nhà để "chui ra chui vô", nhưng vẫn cố gắng bám trụ nơi phố thị với một niềm hy vọng đổi đời lớn lao vì tương lai thế hệ sau.
Năm 2011, tôi tốt nghiệp đại học. Ngày đó, tôi không có quan hệ rộng, chỉ biết rải đơn tìm việc trên mạng. Một công ty ở quận 4, TP HCM tuyển dụng tôi. Tay xách nách mang, vào Sài Gòn không có họ hàng thân thích, bươn chải với mức lương ngày đó là 4,5 triệu đồng.
Bạn không nghe nhầm đâu. Khi đó, tôi là một gã kỹ sư mới ra trường, đi tàu 12 tiếng vào Sài Gòn, làm việc với mức lương 4,5 triệu đồng để tồn tại. Vừa vào Sài Gòn đúng một tuần, tôi đã bị điều chuyển ra Quảng Ngãi, giữa đất khách quê người, non nớt bị ăn hiếp mọi bề.
Tháng 3/2012, mẹ tôi mất khi tôi vừa ra trường chưa được nửa năm. Mẹ còn chưa tận hưởng được những gì tốt đẹp nhất mà tôi sẽ cho mẹ nhiều năm về sau nữa. Ba tháng sau, mẹ bù lại cho tôi bằng một người phụ nữ khác ở bên đời. Đó chính là vợ tôi.
Tháng 9/2012, tôi nằm trong gác xép ở quận 7, một tháng trọ bằng hơn phần ba lương. Tôi nhìn ra gác xép ngoài mưa rơi, khổ nhưng luôn lạc quan. Vẫn tự nhủ mình giống như Trịnh Công Sơn, như Hàn Giang Nhạn vậy, cũng trên gác xép, cũng nhìn mưa rơi.
Ngày 20/10 năm đó, tôi không có tiền. Mượn được bạn 100 nghìn đồng, thêm 100 nghìn đồng tôi có trong túi. Tôi mua cho bạn gái mình cái đôi giày. Còn tôi, chỉ còn 10 nghìn, mua ba hột trứng vịt lộn vì không đủ tiền mua đĩa cơm là 20 nghìn. Còn ba quả trứng vịt lộn khi ấy là 10 nghìn, có thể đủ chất dinh dưỡng.
Đó là những tháng ngày tôi thức đến 2h sáng ở công ty để cày cuốc, với anh bạn học cùng Bách khoa Đà Nẵng ngày xưa, san sẻ với tôi "tau còn 400 nghìn đồng, cho mi 200 nghìn nè". Những đêm công ty chỉ có hai thằng làm. Bạn gái mang cơm đến cho tôi, dừng xe dưới ánh đèn vàng vọt. Mãi mãi không quên được.
Bạn gái ép tôi phải nghỉ vì công ty đó đối xử với tôi tàn tệ quá. Tôi không chịu, chỉ bởi tôi cảm giác kinh nghiệm mình còn non, phải học hỏi. Một hôm, công ty đối tác hỏi về tôi và thốt lên: "Ông giám đốc tuyển người hay thật". Ba ngày sau, tôi nộp đơn xin nghỉ. Thế là đủ rồi.
Sau này tôi đọc nhiều bài viết của những người tự nhận là "kỹ sư xây dựng" trên facebook này. Tôi thấy facebook làm cho người ta yếu đuối đi, than thở nhiều hơn. Những gì họ trải qua, thì tôi cũng từng đi qua, từng chịu đắng cay muôn phần, nhưng chưa bao giờ hận đời hay chửi đời.
Tôi luôn quan điểm rằng, trong bất kỳ tình huống nào, phải luôn nhìn vào mặt phải của vấn đề. Và hãy nhớ cho rằng, một sinh viên mới ra trường chỉ là tờ giấy trắng. "Ảo tưởng sức mạnh" và thích đọc bí quyết sẽ là liều thuốc độc cho sự phát triển bền vững.
Chọn nơi lập nghiệp và người phụ nữ của đời mình
Sau khi rời công ty đầu tiên. Tôi ra Đà Nẵng làm giám sát trưởng hơn 10 tháng. Tài chính bắt đầu tạm ổn, nhưng đến lượt tình yêu bị thử thách, không chỉ địa lý, mà còn lực cản gia đình. Mãi mãi tôi không quên được khoảng thời gian trước tháng 5/2014 ấy. Tuổi 23, 24, thằng nam nhi bị thử thách từ tình yêu đến sự nghiệp và cả nỗi đau gia đình. Tôi nghĩ rằng, đàn ông chúng ta ai cũng đi qua giai đoạn ấy.
Khó khăn là vậy, nhưng tôi không bao giờ bỏ cuộc. Tháng 5/2014, khi kết thúc công trình. Tôi lại tiếp tục đi tàu 12 tiếng vào Sài Gòn. "Bỏ cuộc" không có trong suy nghĩ của tôi. Ngày đó, bố tôi nói rằng nếu tôi ở lại Đà Nẵng, cưới vợ Đà Nẵng, sẽ cho tôi cái chung cư ở Đà Nẵng. Nghĩ lại ngày đó, tôi không phải là không có điều kiện, nhưng tôi đã chọn cách khó khăn hơn. Đấy không đơn thuần là vì tôi và bố chưa bao giờ hợp nhau, mà còn vì tình yêu mà tôi đã chọn.
Tôi hôm nay mua được nhà, thật sự không có bố mẹ nội ngoại hai bên giúp đỡ. Nếu các bạn được bố mẹ giúp đỡ, đó là may mắn. Nếu không, cũng đừng oán trách. Nam nhi sống trên đời, chỉ cần có sức khỏe, trí tuệ để nắm cơ hội, ý chí và góc nhìn lạc quan thì ngày hái quả ngọt rồi sẽ đến.
Đêm mưa tầm tã 2018, bạn bè, anh em đến dự đám cưới. Tôi vào Sài Gòn không có họ hàng, lại càng chưa bao giờ có khái niệm "hội đồng hương" là gì, nên bạn bè, anh em luôn có một ý nghĩa đặc biệt đối với tôi. Đám cưới hôm ấy, chính là niềm vui bất tận.
Nhưng cuộc đời này nó hay lắm. Lên đến đỉnh cao, thì sẽ luôn khởi đầu của giông bão. Các bạn cũng phải nhớ kỹ điều ấy để luôn biết đề phòng vào những khoảnh khắc trên đỉnh cao ấy. Tháng 5 năm đó, tôi chuyển việc qua dự án cao tầng, nhận chức Tư vấn giám sát trưởng. Vị trí mới lần đầu làm chưa quen nên mệt mỏi, nặng nề. Tôi vẫn nhớ buổi trưa đó về nhà ngủ. Giả vờ nhắm mắt, nhưng vẫn nghe thấy tiếng vợ khóc bên cạnh.
Hồi đó tôi thích một câu nói mà Haibara nhận xét về Shinichi trong truyện tranh Thám tử lừng danh Conan: "Quen không lâu, nhưng lạ gì tính hắn. Có chuyện gì khó khăn, cứ im lặng và giải quyết một mình. Chẳng hiểu sao mình lại thích tuýp đàn ông như hắn. Đàn ông như thế mới là đàn ông". Tôi chỉ muốn kể cho người thân yêu của tôi nghe những thành tựu, còn khó khăn giông bão thế nào, cũng không cần phải nói ra, mọi thứ đều có cách giải quyết.
Đến năm 2019 thì tôi dấn thân vào một cơ hội mới. Lúc này, chẳng có gì phải sợ hãi nữa. Chuyên môn xây dựng đi lên một nấc mới. Nhưng tôi hôm nay đã khác hôm qua. Giông bão càng mạnh, lưng tôi càng ưỡn thẳng. Tôi vẫn nhớ một câu khá hay "Khi thử thách đến, bạn cứ mạnh dạn đi vào. Lúc bước ra khỏi đó, bạn sẽ không còn là con người trước đó nữa."
Người vợ và ngôi nhà mơ ước
Trong hai năm qua, ám ảnh mua nhà của tôi lên đến đỉnh điểm. Vẫn nhớ năm ngoái nói với vợ "Năm sau là kỷ niệm 10 năm anh ra, anh phải cố mua được nhà ở Sài Gòn".
Vợ vẫn luôn an ủi: "Hai đứa mình sống hạnh phúc, lâu lâu đi du lịch, có tiền trong tài khoản. Anh cứ đặt nặng, em thì sao cũng được." Nhưng vợ biết rõ khát vọng nung nấu của tôi, của một anh chàng tỉnh lẻ, dân miền Trung vào Sài Gòn, tay trắng lập nên sự nghiệp, điều họ khát vọng nhất cũng như tôi khát vọng, đấy là ngôi nhà.
Và phải nói rằng, đấy như ông bà ta hay nói "của chồng công vợ". Vợ tôi là dân kế toán, biết rõ khát vọng của chồng, nên giống như "kiến tha lâu về đầy tổ". Mỗi lần tôi đem tiền về là vợ cứ cất một ít, cứ cất dần, cất dần và cứ nói là "để cho anh mua nhà".
Tôi thì không quản tiền, cứ tuần cho tôi 500 nghìn đồng, mỗi bữa nhậu cho 200-300 nghìn là vui lắm rồi. Hôm nào được khoản nào kha khá thì dấm dúi đi mời bạn bè. Còn tiền lớn thì vợ ôm hết. Nghĩ lại, với cái cách sống của tôi mà không có vợ so đo tính toán dùm, thì kiếm được bao nhiêu cũng đi hết như cái câu "miệng ăn núi lở".
Bên cạnh sự phấn đấu của chồng, mỗi người trong chúng ta cần một sự chi li của vợ, và người phụ nữ ấy sẽ giúp bạn mua được nhà. Đấy là sự thật. Vợ tôi luôn quán triệt nguyên tắc: "Thu nhập của hai vợ chồng mình, tốt nhất nên mua nhà với tầm giá này đổ lại. Khi ấy vay ngân hàng thì anh chỉ phải trả một phần ba thu nhập mỗi tháng. Chứ còn nếu chỉ để giải quyết khâu oai, mua nhà cho cố, thì anh ăn rồi suốt ngày nghĩ cách trả lãi ngân hàng. Lúc ấy cái nhà thành món nợ, gánh nặng".
Cuối cùng, trời thương người có lòng, được bạn bè chỉ cho mà mua được nhà trong tầm giá. Chung cư tuy cũ, nhưng là sản phẩm của một nỗ lực từ hai bàn tay trắng. Với lại ôm mác kỹ sư xây dựng làm gì mà không sửa được nhà đẹp cho hai vợ chồng sống.
Những gì tôi khuyên đây, cũng chẳng phải là sách dạy làm giàu hay dạy làm người gì, vì có giàu đâu mà khuyên. Nhưng đây là câu chuyện thực. Câu chuyện về một anh chàng kỹ sư vào đời từ hai bàn tay trắng nhưng đã luôn kiên gan bền chí, không thoái lui, đã có một người phụ nữ biết suy nghĩ ở bên cạnh, một chút may mắn để xây dựng cho mình một tổ ấm, xây giá trị cho xã hội qua những cuốn sách, bài báo, và luôn có cho mình bên cạnh những người anh em chí thân từ Bắc vào Nam."
Dũng Phan
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.