Ngôi nhà của bà Tiên nằm trên đường Suối Siệp, khu phố Tân An, phường Tân Đông Hiệp, cạnh suối Siệp là nơi chị Nguyễn Thị Bảo Trân, 44 tuổi, bị nước cuốn tử vong trong mưa lớn tối 13/9. Sự cố đến khi chị Trân lái ôtô bán tải chở hai con nhỏ từ TP Biên Hòa về nhà ở phường Tân Đông Hiệp. Khi quay lại Đồng Nai, mưa lớn khiến nước từ suối dâng lên hơn 2 m, chảy cuồn cuộn cuốn trôi xe và người. Khi ôtô sắp chìm, nạn nhân bung cửa thoát ra nhưng không kịp.
Suối Siệp dài chừng 20 km, bắt nguồn từ các đồi núi nhỏ ở TP Dĩ An chảy ra sông Đồng Nai, là một trong những dòng thoát lũ chính ở đô thị Dĩ An và Biên Hòa. Dọc suối có đường rộng hơn 5 m, là ranh giới giữa Bình Dương và Đồng Nai, khoảng 200 hộ dân sinh sống. Vài năm qua khi đô thị hóa phát triển mạnh ở hai tỉnh, lòng suối bị thu hẹp, nước chảy xiết, gây ngập mỗi khi mưa lớn.
Theo bà Tiên, từ năm 2021 địa phương có kế hoạch giải phóng mặt bằng các hộ dọc suối để làm hệ thống thoát nước tuy nhiên do giá bồi thường thấp, nhiều hộ không đồng ý di dời. Một phần suối chỉ được nắn dòng, xây tường gạch cao 2 m hai bên. Do công trình thi công dang dở, suối không đủ khả năng thoát nước, mỗi khi mưa lớn nước từ đây dâng cao gây ngập khu dân cư.
Hai năm trước, nước từ suối tràn ra đánh sập bức tường cao hơn 3 m của nhà bà. Nhiều lần khác, dòng lũ cuốn trôi đồ đạc, đẩy người con trai 32 tuổi đi xa 50 m. Dù con trai may mắn sống sót, song bà vẫn ám ảnh về dòng nước hung hãn. "Có lúc nước ngập tới cửa sổ, sóng đánh vào nhà khiến gia đình tôi nơm nớp lo sợ", bà Tiên nói.
Cách đó 100 m, ông Trần Văn Lâm, 58 tuổi, phải xây tường gạch cao một mét ngang cửa để chắn nước từ suối tràn vào nhà. Nhiều lần nước từ thượng nguồn đổ về đẩy ngã người đi xe máy, ông cùng hàng xóm dầm mưa đứng cảnh báo từ xa để mọi người tránh đi qua vùng nước chảy xiết. Đồng thời, ông đã mua nhiều áo phao, dây thừng để sẵn sàng ứng cứu người bị cuốn trôi.
Theo ông Lâm, trong kế hoạch mở rộng dòng suối của thành phố, giá bồi thường chỉ vài triệu đồng một mét vuông nên gia đình ông không thể di dời. "Nhiều năm chịu đựng cảnh dòng nước nguy hiểm từ con suối này, tôi muốn chính quyền xử lý dứt điểm để đảm bảo cuộc sống người dân", ông nói.
Ngoài ảnh hưởng trong khu dân cư địa bàn giáp ranh hai phường Hóa An và Tân Đông Hiệp, nước tràn từ suối thường gây ngập khoảng 100 m quốc lộ 1K khiến tuyến đường gián đoạn lưu thông.
Lý giải về tình trạng dòng nước chảy xiết ảnh hưởng các hộ dân, ông Đào Minh Luân, Chủ tịch UBND phường Tân Đông Hiệp (TP Dĩ An), cho biết do khu dân cư nằm dưới hạ nguồn của con suối. Vị trí này lại bị thắt cổ chai nên mỗi khi mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về lòng suối nhỏ hẹp, gây ngập khoảng 300 m đường từ đường Suối Siệp ra quốc lộ 1K. Khu vực này có kế hoạch giải tỏa để cải tạo hệ thống thoát nước dọc suối nhưng vướng mắc ở địa bàn giáp ranh là phường Hóa An, TP Biên Hòa nên chưa thể hoàn thiện công trình.
Ông Võ Văn Hồng, Chủ tịch UBND TP Dĩ An, cho biết thành phố đang cố gắng để triển khai tiếp các hạng mục dự án chống ngập ở khu vực này. Thời gian tới để hạn chế nguy hiểm cũng như khắc phục tình trạng ngập lụt, lực lượng chức năng sẽ có mặt điều tiết, túc trực ở những điểm thường xuyên xảy ra ngập để khuyến cáo người dân đi qua.
Phước Tuấn - Đình Văn