Gladys Marie Deacon có tuổi thơ bi thảm dù sinh ra trong một gia đình người Mỹ lai Pháp giàu có ở Paris năm 1881. Mẹ của Gladys, Florence, giao thiệp rộng và quen biết nhiều người trong giới tinh anh như nhà điêu khắc Auguste Rodin hay nhà sử học mỹ thuật Bernard Berenson.
Khi cuộc hôn nhân giữa Florence và người chồng Edward Deacon nguội lạnh, bà ngoại tình với một người Pháp tên là Emile Abeille. Năm 1892, khi Gladys lên 10 tuổi, Edward theo dõi và bắt quả tang vợ cùng nhân tình tại khách sạn Splendide ở Cannes. Trong lúc nóng giận, ông bắn ba phát súng vào Abeille, khiến ông này chết một ngày sau đó.
Deacon đầu thú và bị kết án 12 tháng tù với tội cố ý gây thương tích. Sau khi ra tù, Edward có vấn đề tâm thần và phải điều trị tại bệnh viện McLean, cuối cùng qua đời ở đó năm 1901.
Năm 14 tuổi, Gladys hâm mộ câu chuyện tiểu thư Consuelo Vanderbilt thuộc gia đình quyền quý Mỹ đính hôn với Charles Spencer-Churchill, 24 tuổi, Công tước xứ Marlborough của Anh. Cô mơ mộng về một ngày được kết hôn với Công tước Charles. "Nếu con lớn hơn một chút, con có thể quyến rũ được chàng", Gladys viết thư cho mẹ mình.
Năm 1897, khi Gladys 16 tuổi, mẹ đưa cô đến London, nơi cô được gặp Công tước xứ Marlborough mà mình luôn ao ước. Gladys sau đó được mời đến nhà của Công tước, Cung điện Blenheim. Công nương Consuelo khi đó mới sinh con và rất quý mến Gladys nên giữ cô ở lại cung điện một thời gian để bầu bạn.
"Cô ấy thật xinh đẹp, thông minh và giỏi giao tiếp. Tôi đã sớm bị khuất phục trước nét duyên dáng của cô ấy nên chúng tôi nhanh chóng làm bạn", Consuelo viết.
Trong thời gian Gladys ở lại cung điện, một vị khách khác cũng si mê cô: Thái tử nước Phổ. Thái tử phải lòng Gladys ngay khi vừa gặp mặt. Khi họ ngồi xe ngựa đến Oxford, ông liên tục ngoái đầu để ngắm nhìn Deacon ngồi ở ghế sau. Nhưng Gladys không thích Thái tử, ngay cả khi ông tặng cô một chiếc nhẫn kim cương. Cô chỉ để ý Công tước Charles.
Nhiều người đàn ông đã nói rằng họ yêu Gladys hoặc ít nhất là bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của cô, trong số đó có triết gia Hermann von Keys Muff, Hoàng tử Roffredo Caetani, nhà thơ Robert Trevelyan, các công tước xứ Camastra, Norfolk, Newcastle và Connaught.
"Tôi chưa bao giờ thấy một cô gái nào có vẻ đẹp như vậy, cô ấy còn tốt bụng, có trí thông minh tuyệt vời và nét quyến rũ không thể cưỡng lại", tiểu thuyết gia Pháp Marcel Proust viết.
Nhiều người ca ngợi rằng đôi mắt xanh của cô đẹp đến mức chỉ một cái liếc mắt cũng có thể khiến đàn ông "ngã gục". Gladys cũng rất tự hào về "vũ khí quyến rũ" đó nên lưu giữ rất nhiều bức tranh vẽ mắt mình. Gladys còn từng tuyên bố rằng cô ấy đã qua đêm với "tất cả thủ tướng ở châu Âu và nhiều vị vua".
4 năm sau lần gặp Công tước Charles đầu tiên, Gladys lại được mời đến Cung điện Blenheim và được giữ ở lại trong 6 tháng. Mối tình của cô với người đàn ông trong mơ bắt đầu.
May mắn cho Gladys, cuộc hôn nhân của Công tước với Consuelo không có tình yêu. Consuelo chấp nhận kết hôn vì gia đình Vanderbilt thích danh hiệu "nữ công tước", còn Công tước Charles cưới cô vì khối tài sản khổng lồ của gia tộc Vanderbilt. Khi hai người ly thân, Gladys trở thành người tình của Công tước cho đến khi ông ly dị Consuelo. Tại Paris năm 1921, khi 40 tuổi, giấc mơ từ thời niên thiếu của Gladys cuối cùng trở thành sự thật, khi cô kết hôn với Charles và trở thành nữ Công tước.
Nhưng đằng sau mạng che mặt trong ngày cưới của Gladys là điều bà giữ bí mật với tất cả mọi người, trừ vài người bạn thân nhất: hậu quả của một liệu pháp làm đẹp. Nổi tiếng vì ngoại hình xuất chúng và còn xuất hiện trong quảng cáo xà phòng, Gladys có niềm ám ảnh lớn với nhan sắc. Ngay từ khi còn trẻ, bà đã lo lắng về một ngày nhan sắc phai tàn.
Gladys đặc biệt chú ý đến cái mũi của mình, phàn nàn rằng nó không được thẳng. Khi ngoài 30 tuổi, bà tới Paris để thực hiện phương pháp thẩm mỹ tiêm sáp parafin vào mũi và xương hàm. Vài ngày sau, sáp bị chảy, khiến cằm Gladys nhô ra. Bà thất vọng đến nỗi ra lệnh cho người hầu tháo tất cả gương trong phòng.
Tự ti về ngoại hình, Gladys không còn muốn giao thiệp với người khác. Bà chuyên tâm vào sở thích là nuôi giống chó Blenheim Spaniels. Hàng chục con chó chạy trong cung điện, phá hỏng những tấm thảm quý khiến Công tước Charles nổi giận. Gladys cũng có tính khí nóng nảy và không chịu xoa dịu chồng. Hai người dần xa cách.
Gladys tâm sự với một vị khách rằng bà để một khẩu súng lục trên bàn cạnh giường ngủ để ngăn Công tước vào phòng. "Tôi có thể bắn Công tước", Gladys nói.
Lời đe dọa này đến tai Charles. Năm 1933, ông sa thải các nhân viên của Gladys và rời khỏi Cung điện Blenheim, để Gladys sống một mình ở cung điện trong hai năm trước khi đuổi bà đi. Bà chuyển đến một căn nhà ở London của Công tước cho đến khi ông cũng đuổi bà ra khỏi đó.
Hai người định ly hôn nhưng Charles qua đời trước khi điều đó kịp xảy ra. Gladys và đàn chó cưng sống ẩn dật tại một trang trại ở ngôi làng hẻo lánh Mixbury. Gladys tự gọi mình là bà Spencer và chỉ có một người giúp việc trung thành. Ông đến gặp bà hàng ngày trong vài năm, bà thả chìa khóa từ cửa sổ trên lầu để ông vào nhà.
Năm 1962, Gladys gặp vấn đề tâm thần giống bố mình và được đưa đến bệnh viện tâm thần St Andrew, nơi bà ở lại 15 năm. Bà qua đời năm 1977 ở tuổi 96.
Khi tác giả viết tiểu sử Hugo Vickers đến thăm Gladys năm 1975 tại bệnh viện, ông thấy bà vẫn là người phụ nữ hấp dẫn nhất mình từng gặp. Sự thông minh, sắc sảo từng khiến bà nổi tiếng thời trẻ vẫn còn đó.
"Mặc dù sống ẩn dật, bà ấy đọc báo, viết nhật ký, chú ý những gì đang diễn ra trên thế giới và vẫn sắc sảo như trước đây", Vickers viết.
Phương Vũ (Theo news.com.au)