Các cao tốc đường bộ đang được đầu tư, xây dựng, khi kết nối sẽ tạo động lực giao thông, liên kết vùng cũng như đà phát triển du lịch.
Thế nhưng, chuyện rắc rối trên đường cao tốc Việt không chỉ những đoàn xe chạy rùa bò, chiếm làn phải... mà còn ở chuyện thiếu trạm dừng, nhà vệ sinh.
Cuối tuần trước, gia đình bạn tôi đi chơi và ám ảnh vì thiếu nhà vệ sinh, trạm nghỉ trên tuyến cao tốc TP HCM - Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo. Toàn tuyến dài hơn hai trăm cây số nhưng chỉ có một trạm dừng nghỉ tại Km 41 đoạn TP HCM - Long Thành.
Cả tuyến đường dài chỉ có một trạm dừng, người đi đường muốn đi vệ sinh cũng chẳng biết phải làm sao, hoặc đi vòng xuống quốc lộ tìm hàng quán ven đường, hoặc phải chờ đợi vì quá tải ở các nhà vệ sinh.
Tương tự, cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng là một trong những tuyến đường cao tốc dài và không có trạm dừng nghỉ. Nhiều người cũng đã có những trải nghiệm không mấy dễ chịu vì thiếu trạm nghỉ và nhà vệ sinh.
Trên cao tốc từ TP HCM đến Mỹ Thuận, một tuyến đường dài hơn 110 km cũng chỉ có một trạm dừng.
Tôi nghĩ cần nhìn vào vấn đề từ quy hoạch ban đầu. Thiết kế của tuyến đường cao tốc nên bao gồm cả các trạm dừng nghỉ, không nên để cho địa phương thực hiện riêng lẻ. Nếu để cho địa phương tiến hành xây dựng dự án, việc này sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nguồn kinh phí.
Các trạm dừng nghỉ không chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động du lịch, mua sắm và giúp quảng bá văn hóa, lịch sử và danh lam thắng cảnh địa phương.
Theo Tiêu chuẩn quốc gia 5729:2012 về thiết kế đường cao tốc, khoảng từ 15 km đến 25 km nên bố trí một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài phạm vi nền đường. Tại đây, người đi đường có thể dừng xe nghỉ ngơi, ngắm cảnh tự nhiên và bảo dưỡng xe. Khoảng từ 50 km đến 60 km nên bố trí một trạm phục vụ kỹ thuật thông thường (có khả năng cấp xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn). Khoảng từ 120 km đến 200 km nên bố trí một trạm phục vụ lớn (có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng, dầu, có thể tiếp đón người đi đường với nhà ăn, khách sạn). |
Trường Đăng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.