Ngày 7/4, Alibaba Cloud công bố AI mang tên Tongyi Qianwen - đối thủ mới nhất của ChatGPT tại Trung Quốc. Theo SCMP, trang chủ của Tongyi Qianwen không có nhiều thông tin chi tiết về chức năng của chatbot. Dịch vụ được mô tả là "trợ lý năng suất và giúp tạo ý tưởng, dành riêng cho các mệnh lệnh của con người, thông qua mô hình ngôn ngữ lớn (LLM)".
Tongyi Qianwen được đào tạo bằng mô hình học máy tương tự ChatGPT. Nó có thể trả lời các câu hỏi phức tạp, tạo bài viết chi tiết, thậm chí lập trình. Các điều khoản sử dụng cho thấy chatbot được phát triển bởi Viện Damo, nhóm nghiên cứu khoa học nội bộ của Alibaba. Hồi tháng 2, gã khổng lồ thương mại Trung Quốc xác nhận viện nghiên cứu của họ đang xây dựng một chatbot AI.
Damo lần đầu giới thiệu mô hình LLM có tên AliceMind vào tháng 9/2022 tại Hội nghị AI Thế giới. AliceMind được mô tả là mô hình ngôn ngữ đa phương thức, có thể xử lý các loại đầu vào khác nhau như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. AliceMind được kỳ vọng sẽ được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, thành phố thông minh, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, chụp ảnh trên smartphone, xe tự lái và Internet vạn vật (IoT).
Trước Alibaba, Baidu cũng đã phát hành chatbot Ernie Bot để cạnh tranh với ChatGPT. Tuy nhiên siêu AI này không hoạt động như kỳ vọng, khiến cổ phiếu của công ty bị sụt giảm đáng kể.
Theo SCMP, rất ít người có thể thử nghiệm Tongyi Qianwen của Alibaba. Một người dùng tên Zhiwei đã dùng thử dịch vụ và so sánh với siêu AI của Baidu và OpenAI. ChatGPT gặp khó khăn hơn với tiếng Trung Quốc phức tạp. Ernie Bot đưa ra nhiều câu trả lời khó hiểu cho kiến thức phổ thông. Còn Tongyi Qianwen có lợi thế hơn trong những nhiệm vụ liên quan đến sáng tạo nội dung.
Tongyi Qianwen ra mắt chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh về đám mây thường niên của Alibaba, khai mạc tại Bắc Kinh vào 10/4. Giới công nghệ kỳ vọng siêu AI của hãng sẽ không làm người dùng ở Trung Quốc phải thất vọng.
Khương Nha (theo SCMP)