Zawahiri, 71 tuổi, bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở Kabul, Afghanistan, cuối tuần qua, theo các quan chức Mỹ giấu tên am hiểu vấn đề. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/8 xác nhận về cái chết của Zawahiri, cho biết cuộc tấn công diễn ra "chính xác", không gây thương vong cho dân thường.
Zawahiri từng là thủ lĩnh của một nhóm chiến binh Hồi giáo, tiên phong trong hình thức tấn công khủng bố bừa bãi vào dân thường nhằm gây thương vong tối đa. Khi hợp nhất nhóm của mình với al-Qaeda vào những năm 1990, ông ta đã áp dụng chiến thuật đó vào tổ chức mới, cùng tham vọng tăng cường các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào phương Tây.
Zawahiri đã nêu ra quan điểm rằng đánh bại Mỹ, "kẻ thù xa" của tổ chức, là tiền đề thiết yếu để al-Qaeda đối đầu với "kẻ thù gần", tức những chính quyền Arab thân phương Tây cản đường giấc mơ thống nhất toàn bộ người Hồi giáo dưới một "đế chế toàn cầu" mà nhóm lâu nay theo đuổi.
"Giết hại người Mỹ và các đồng minh của họ, cả dân thường lẫn binh lính, là nghĩa vụ của mỗi người Hồi giáo và họ có thể làm điều đó bất cứ khi nào có thể ở mọi quốc gia", Zawahiri viết trong một tuyên ngôn năm 1998. Ba năm sau, ông ta biến lời nói thành hiện thực khi trở thành "kiến trúc sư" vạch kế hoạch cho các cuộc tấn công khủng bố vào Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc ngày 11/9/2001.
Dù không có sức ảnh hưởng như ông trùm Osama bin Laden, Zawahiri đã trở thành "bộ não" đứng sau nhiều tham vọng lớn nhất của al-Qaeda, trong đó có cả nỗ lực sở hữu vũ khí hạt nhân và sinh học. Sau khi al-Qaeda buộc phải rút khỏi địa bàn ở Afghanistan vào đầu năm 2002, Zawahiri là người dẫn dắt chính hoạt động của nhóm tại quốc gia láng giềng Pakistan, theo giới quan sát.
Trong những năm sau đó, Zawahiri đã lãnh đạo al-Qaeda vào thời điểm suy tàn, với hầu hết các thủ lĩnh sáng lập nhóm đều đã bị Mỹ tiêu diệt hoặc lẩn trốn và ảnh hưởng của tổ chức bị thách thức bởi những nhóm mới nổi như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Zawahiri vẫn là "đầu tàu" của al-Qaeda, nhưng không thể ngăn phong trào Hồi giáo này tan rã ở Syria và các khu vực xung đột khác sau năm 2011. Được cho là có sức khỏe yếu, ông ta thường xuyên ẩn mình, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện thông qua các video phát đi những lời kêu gọi bằng phong cách khô cứng đặc trưng, dường như không còn phù hợp với thời đại truyền thông xã hội.
"Zawahiri là thủ lĩnh tư tưởng của al-Qaeda, một con người thiên về suy nghĩ hơn là hành động", Bruce Riedel, cựu chuyên gia chống khủng bố của CIA, cố vấn cho 4 đời tổng thống Mỹ, nhận xét trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 9/2021. "Các bài viết của ông ta rất đáng suy ngẫm, nhưng đôi khi nhàm chán đến khó tin".
Hai thập kỷ trôi qua kể từ vụ khủng bố 11/9, vai trò lãnh đạo của Zawahiri ngày càng trở nên mờ nhạt, đặc biệt trong thế giới ngày nay, theo Riedel. "Ông ta không phải thủ lĩnh có nhiều sức hút mà al-Qaeda cần", ông nói. "Và tôi chưa nhìn thấy bất kỳ gương mặt nào khác có thể đảm nhận vai trò đó".
Đường tới chủ nghĩa khủng bố
Con đường trở thành một trong những kẻ khủng bố khét tiếng nhất thế giới của Zawahiri khởi đầu từ vùng ngoại ô Cairo, nơi sinh sống của nhiều gia đình thành đạt nhất Ai Cập.
Cha Zawahiri, Mohammed Rabie al-Zawahiri, là giáo sư dược và ông ngoại của Zawahiri là hiệu trưởng Đại học Cairo. Năm 1951, khi Zawahiri ra đời, quê hương Maadi của ông ta có đông người Do Thái và tự hào sở hữu nhiều nhà thờ Thiên chúa giáo hơn cả thánh đường Hồi giáo.
Thời trẻ, Zawahiri là một thanh niên nghiêm túc, có năng khiếu học tập. Ngay từ nhỏ, Zawahiri đã bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của người chú Mahfouz Azzam, người chỉ trích mạnh mẽ chính phủ thế tục của Ai Cập. Ông ta cũng thấm nhuần những quan điểm của Sayyid Qutb, một trong những người sáng lập chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan thế kỷ XX.
Theo lời kể của Lawrence Wright trong cuốn sách đoạt giải Pulitzer "The Looming Tower", việc chính phủ Ai Cập hành quyết Qutb vào năm 1966 đã thôi thúc Zawahiri, khi đó 15 tuổi, tổ chức một nhóm bí mật lên kế hoạch lật đổ chính phủ và thành lập một chế độ Hồi giáo. Nhóm do Zawahiri dẫn dắt cuối cùng phát triển thành tổ chức được gọi là Jamaat al-Jihad hay Nhóm Jihad.
Dù quan điểm chính trị ngày càng trở nên cực đoan, Zawahiri vẫn theo đuổi sự nghiệp trong ngành y, lấy bằng y khoa tại Đại học Cairo và từng có thời gian ngắn làm bác sĩ phẫu thuật quân đội. Về sau, Zawahiri mở một cơ sở khám chữa bệnh và thỉnh thoảng chăm sóc bệnh nhân tại một phòng khám ở Cairo.
Trong thời gian này, Zawahiri kết hôn với Azza Nowair, con gái một gia đình Ai Cập giàu có, nhiều quan hệ chính trị. Hai người có một con trai và 5 con gái.
Trong thời gian làm việc tại phòng khám ở Cairo, Zawahiri đã được mời đến thăm các trại tị nạn dọc biên giới Afghanistan - Pakistan. Tại đây, ông ta gặp một thanh niên người Arab Saudi đầy lôi cuốn có tên Osama bin Laden.
Vào thời điểm đó, Zawahiri còn bận quản lý nhóm Hồi giáo của mình. Nhóm Jihad của ông ta đầu những năm 1980 thực hiện loạt âm mưu ám sát các lãnh đạo Ai Cập và tham gia vào vụ sát hại Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat ngày 6/10/1981.
Chiến dịch trấn áp quy mô lớn của chính phủ Ai Cập sau đó khiến Zawahiri cùng hàm trăm tín đồ của ông ta phải ngồi tù. Ba năm sau, Zawahiri được tự do. Trong một cuốn hồi ký, Zawahiri cho hay đã bị tra tấn suốt thời gian ngồi tù, điều khiến ông ta càng quyết tâm hơn với mục tiêu lật đổ chính phủ Ai Cập bằng vũ lực.
Trong những năm sống lang thang sau khi ra tù, Zawahiri thường xuyên tới Nam Á và ngày càng tìm thấy nhiều điểm chung về tư tưởng với bin Laden, người đã đến nhờ Zawahiri làm bác sĩ riêng cho mình. Bin Laden bị huyết áp thấp cùng một số bệnh mạn tính khác và phải truyền glucose thường xuyên.
Zawahiri từng ít nhất một lần đến Mỹ trong những năm 1990, dùng tên giả đến tham quan các nhà thờ Hồi giáo ở California để quyên tiền cho những tổ chức từ thiện Hồi giáo hỗ trợ người tị nạn Afghanistan. Ông ta tiếp tục thúc giục tín đồ Ai Cập của mình thực hiện các cuộc tấn công quy mô hơn ở quê nhà, tin rằng chiến thuật tàn bạo, gây sốc như vậy sẽ thu hút chú ý của giới truyền thông cũng như át đi những tiếng nói ôn hòa hơn ủng hộ thương lượng và thỏa hiệp.
Trong khi sống ở Afghanistan năm 1997, Zawahiri đã giúp lập kế hoạch cho vụ tấn công đẫm máu nhắm vào du khách nước ngoài tại khu di tích Luxor nổi tiếng của Ai Cập, khiến 62 người thiệt mạng.
Vụ tấn công khiến hầu hết người dân Ai Cập bàng hoàng, phẫn nộ, những khoản ủng hộ dành cho Zawahiri cùng nhóm Jihad cũng lụi tàn. Zawahiri sau đó nói với tín đồ của mình rằng hoạt động ở Ai Cập không còn khả thi và cuộc chiến đang chuyển sang Israel cùng đồng minh chính của họ, Mỹ. Nhóm Jihad quyết định hợp nhất với al-Qaeda, tổ chức có quy mô lớn hơn và được tài trợ tốt hơn của bin Laden.
Zawahiri là cố vấn cấp cao cho bin Laden vào thời điểm xảy ra vụ đánh bom do al-Qaeda thực hiện năm 1998 nhằm vào đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kenya và Tanzania, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Ba năm sau, làm việc tại căn cứ của al-Qaeda ở Afghanistan, Zawahiri đã giúp giám sát quá trình lập kế hoạch cho những gì sau này sẽ trở thành một trong những vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhất lịch sử ngày 11/9 ở New York và Washington.
Khi những kẻ không tặc sắp thực hiện vụ khủng bố được cử đi huấn luyện ở các thành phố Mỹ, Zawahiri tiếp tục được giao trách nhiệm lập kế hoạch cho các làn sóng tấn công khủng bố tiếp theo nhằm làm suy yếu Mỹ hơn nữa. Ông ta đã khởi động một chương trình vũ khí sinh học đầy tham vọng, thành lập một phòng thí nghiệm ở Afghanistan và phái các tín đồ tìm kiếm những nhà khoa học có chung chí hướng, cũng như các chủng vi khuẩn bệnh than gây chết người.
Giới chức tình báo Mỹ tin rằng âm mưu này của Zawahiri có thể đã thành công, nếu ông ta không hết thời gian. Vài tuần sau khi các tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York sụp đổ, một chiến dịch quân sự do Mỹ hậu thuẫn đã khiến đồng minh Taliban của al-Qaeda mất quyền lực ở Afghanistan, buộc Zawahiri phải từ bỏ phòng thí nghiệm vũ khí sinh học của mình.
Trốn đến Pakistan
Bị truy lùng gắt gao ở Afghanistan với phần thưởng truy nã lên đến 25 triệu USD, Zawahiri đã cùng bin Laden chạy trốn đến khu vực bộ lạc của Pakistan để ẩn náu.
Dù bị truy nã, Zawahiri vẫn thường xuyên xuất hiện trong những video đăng trên các trang web thân al-Qaeda. Giới chức Mỹ tin rằng ông ta cũng tiếp tục chỉ đạo nhiều hoạt động khủng bố, như cuộc tấn công Nhà thờ Hồi giáo Đỏ ở Islamabad, Pakistan, năm 2007, khiến hơn 100 người thiệt mạng.
Cái chết của bin Laden vào tháng 2/2011 đã biến Zawahiri thành thủ lĩnh số một của al-Qaeda, vai trò mà giới quan sát cho rằng ông ta không hoàn toàn phù hợp. Zawahiri, với phong cách bộc trực, thẳng thừng của mình, đã không thể truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các chiến binh Hồi giáo như bin Laden hay các thủ lĩnh trẻ hơn như Abu Musab al-Zarqawi, người sáng lập lực lượng nổi dậy Iraq mà sau này trở thành IS.
Sau khi phong trào nổi dậy Mùa xuân Arab nổ ra, Zawahiri đã tìm cách khẳng định vị thế của al-Qaeda trong cuộc cạnh tranh với các nhóm Hồi giáo cực đoan khác ở Syria, Iraq và Libya. Tuy nhiên, nỗ lực này cuối cùng thất bại.
Chi nhánh hàng đầu của al-Qaeda ở Syria, Mặt trận al-Nusra, cuối cùng đã chọn từ bỏ tổ chức mẹ, từ chối công nhận mối liên hệ với al-Qaeda. Một phe phái lớn khác, IS, cũng đoạn tuyệt với Zawahiri.
Trong thập kỷ sau đó, các phe phái trong cả hai nhóm đối đầu gay gắt với nhau về chiến lược, chiến thuật và thậm chí cả những niềm tin cơ bản, nhưng hiếm khi tìm đến Zawahiri để được hướng dẫn hoặc giải quyết các tranh chấp.
Đến năm 2020, Zawahiri ngày càng trở nên xa cách. Ông ta vùi đầu vào viết sách và tiểu luận, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trên các video. Tháng 9/2021, một trang web ủng hộ al-Qaeda đã công bố đoạn video, trong đó Zawahiri nói suốt 60 phút để bác bỏ tin đồn về cái chết của mình nổi lên lúc bấy giờ.
Nhưng Zawahiri không đề cập đến việc kỷ niệm 20 năm vụ tấn công 11/9, cũng như không nhắc tới việc Taliban tiếp quản Afghanistan vào tháng 8, một tháng trước khi video được công bố. Dù vậy, ông ta đã tận dụng cơ hội này để khôi phục lại tiếng nói uy quyền trong quá khứ, kêu gọi một lần nữa phát động những chiến dịch tấn công bạo lực của al-Qaeda nhằm chống lại kẻ thù ở khắp mọi nơi.
"Cũng giống như họ đã đến từ mọi nơi trên thế giới để chống lại chúng ta, chúng ta phải tấn công họ thật mạnh mẽ ở khắp mọi nơi", Zawahiri nói trong video.
Trong những năm tháng cuối đời, khi Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan, Zawahiri lui về ẩn náu tại một nhà an toàn ở khu Shirpur, trung tâm thủ đô Kabul.
Sau nhiều tháng theo dõi, CIA phát hiện hành tung của Zawahiri tại đây và trình kế hoạch tiêu diệt lên ông Biden. Tổng thống Mỹ cuối cùng phê chuẩn kế hoạch này.
Rạng sáng 31/7, máy bay không người lái (UAV) Mỹ phóng hai tên lửa Hellfire trong lúc Zawahiri bước ra ban công ngôi nhà. Thủ lĩnh al-Qaeda bị tiêu diệt sau tiếng nổ lớn. "Công lý đã được thực thi, trùm khủng bố đã bị xóa sổ", ông Biden cho biết trong thông báo về vụ tập kích.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)