Samudra nói với các nhà báo rằng anh ta hân hoan trước những cái chết ở Bali, rằng Thượng đế sẽ ban thưởng cho những kẻ tấn công, và kể lại hàng chục năm lên kế hoạch cho vụ khủng bố đẫm máu nhất kể từ sau sự kiện 11/9. Anh ta còn cho biết đã tham gia 6 vụ đánh bom khác.
Samudra là một "kẻ sùng tín", cho rằng để đạt được một mục đích tối thượng nào đó, thì mọi phương cách đều là có thể. Trong trường hợp này, anh ta tin rằng có một mối thâm thù của Mỹ và đồng minh nhằm vào người Hồi giáo. Ước mơ của Samudra là châm ngòi một cuộc nổi dậy toàn cầu của người Hồi giáo, thông qua các hành động khủng bố đơn lẻ. Đó là điều mà Osama bin Laden cũng ấp ủ.
Bình thường, những người như bin Laden và Samudra đau đầu tìm cách tổ chức được nhiều hoạt động phục vụ sự nghiệp của mình. Đối với hầu hết công chúng, lý tưởng đó là không thể chấp nhận được. Tuy thế, trong những bối cảnh nóng bỏng của chiến tranh và bất công, những tư tưởng đó lại tìm được con đường đi của mình. và cuộc chiến ở Maluku là một bối cảnh như thế.
Đối với một số người, từ chỗ tức giận người Cơ đốc ở Maluku tới tức giận tất cả người Cơ đốc và chính phủ Indonesia là rất ngắn; từ lo ngại các vấn đề quốc nội tới việc quan tâm đến những mưu đồ lớn hơn, do Al-Qeada tuyên truyền, cũng nhanh như vậy.
Thay đổi tương lai thanh niên
Trong nhiều năm, Samudra và những người có chung tư tưởng đã vận động, rỉ tai nhiều thanh niên, và đôi khi họ cũng thành công. Maluku là một cơ hội lớn. Samudra tuyển mộ được nhiều thanh niên tới khu vực này chiến đấu, và quan điểm của nhân vật này được ủng hộ nhiều hơn trước.
"Samudra ư? Anh ta đơn giản là ghét người Mỹ", phát ngôn viên cảnh sát Bali nói. "Nhưng với nhiều người dưới trướng nhân vật này, nỗi tức giận của họ được hun đúc bởi những lời mô tả nỗi đau khổ của người Hồi giáo ở Ambon".
Giấc mơ chiến đấu ở Afghanistan
Samudra từng theo học trường Hồi giáo bảo thủ ở tỉnh Banten, và chuyển đến Tây Java năm 1990 nhờ học bổng của Học viện Quốc gia nghiên cứu về Hồi giáo. Sau đó anh ta nhanh chóng bỏ học và chỉ quan tâm đến cuộc kháng chiến của người Afghanistan chống đội quân Xô viết, và ước mong biến Indonesia thành một quốc gia Hồi giáo. Samudra gia nhập các nhóm sinh viên chuyên cầu kinh Koran, "nhấn mạnh niềm vinh quang của những kẻ tử vì đạo", cùng ước mơ chiến đấu ở Afghanistan.
Năm 1991, Samudra tới Jakarta gặp Enjang Bustaman, người sẽ biến ước mơ của anh ta thành hiện thực.
Bustaman từng tham chiến ở Afghanistan cuối thập kỷ 80, cùng với Riduan Isammudin - một người Indonesia sau này rất nổi tiếng trong mạng lưới JI và là thành viên A. Cả hai đều được huấn luyện ở trại của Osama bin Laden.
Dưới sự dẫn dắt của nhân vật trên, Samudra học cách sử dụng súng trường, chế tạo bom, và tầm quan trọng của việc giữ bí mật các chiến dịch khủng bố. Sau đó anh ta bắt đầu ra trận.
Giữa 1993, Samudra tới Malaysia. Những nhân vật chủ chốt sẽ điều hành các chiến dịch khủng bố của mạng lưới JI đang tụ tập ở đây. Samudra lúc này đã được xem là trưởng thành và tự lập. Năm 1998, khi chế độ Suharto đổ, Samudra và những người như anh ta cảm thấy đã đến lúc sử dụng kỹ năng của mình.
Địa lợi
Năm 2000, có những lúc Samudra mở trại huấn luyện nhỏ dành cho những người sẽ trở thành chiến binh jihad tại tỉnh Banten, không xa Jakarta. Anh ta tới các trường Hồi giáo thuyết giảng về cuộc tàn sát của người Cơ đốc ở Maluku, trình chiếu các cuộn băng hình mô tả những chiến binh Hồi giáo liều mình bảo vệ đạo Hồi. Một trong những câu chuyện ưa thích của Samudra là về một cô gái tên "Wawa", bị một cha cố hãm hiếp. Samudra nói người Cơ đốc đang thực hiện chiến lược xâm nhập người Hồi bằng cách gieo vào họ những đứa trẻ Cơ đốc.
Cuối năm 2000, Samudra tiếp cận Amrozi, em trai của Mukhlas, và hỏi nhân vật này xem có thể cung cấp chất nổ cho đội quân jihad ở Ambon hay không. Amrozi đi tìm mua hoá chất ở Đông Java. Sau đó, Samudra đã chỉ huy các vụ đánh bom đồng thời ở 30 nhà thờ trên toàn Indonesia, khiến 19 người chết.
Cuối cùng, Samudra, Mukhlas, Amrozi và một số đồng mưu khác tụ họp ở Solo, Trung Java để bàn định kế hoạch cuối cùng cho vụ tấn công Bali, mà họ cho là sẽ có tiếng vang lớn. Hơn 20 người tham gia âm mưu này đã quyết định dùng nhiều thuốc nổ hơn, thực hiện một cách chuyên nghiệp hơn. Một nhân vật tên là Hambali thu xếp kiếm được 70.000 USD từ nước ngoài cho phi vụ này.
Chặng cuối của con đường chấm dứt vào ngày 12/10/2002, tại câu lạc bộ Sari và Paddy bar ở Kuta, Bali, khiến 202 khách du lịch, chủ yếu là người phương Tây, thiệt mạng.
(Theo CSM)