Chiến binh Hồi giáo kêu gọi thánh chiến chống người Thiên Chúa ở tỉnh Maluku hồi tháng 4/2000. Xung đột này là mảnh đất màu mỡ để Al-Qaeda tuyên truyền và tuyển mộ thành viên. |
Cô gái 21 tuổi chui tọt vào chiếc áo choàng đen mà cha cô bắt phải mặc mỗi khi ra chốn công cộng, gói ghém đồ đạc vào một chiếc túi nhỏ và lên chuyến xe buýt đi Cijambu, Tây Java. Vừa về tới nhà vào sáng hôm sau, Augustina được giới thiệu với Mohammed Assegof, một thanh niên có dáng dấp Ảrập. Hai người thành hôn ngay hôm đó.
Ông Fadillah không bao giờ giải thích tại sao ông gả con gái mình cho một người hoàn toàn xa lạ. Nhưng "cha tôi chắc hẳn phải tin tưởng tuyệt đối chồng tôi", Augustina nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4 vừa rồi, khi đang chơi với đứa con đang chập chững trong căn nhà nghèo nàn. "Nếu không, ông đã chẳng cho anh ấy lấy tôi".
Các nhà điều tra người Indonesia và Mỹ cũng đồng ý như vậy. Cuộc hôn nhân của Augustina tháng 7/1999 đã giúp củng cố mối liên minh giữa các dân quân Indonesia và mạng lưới Al-Qeada. Và kết quả của nó là vụ đánh bom tháng 10/2002 trên đảo Bali giết chết 202 người, hầu hết là khách du lịch nước ngoài.
Phiên toà xử hai kẻ thực hiện vụ đánh bom đang diễn ra ở Bali. Người thứ ba, Mukhlas, được coi là chỉ huy của nhóm Hồi giáo Islamiyah (JI), ra tòa hôm qua. Những bản cáo trạng đọc trước toà chỉ phản ánh một phần chi tiết cuộc tấn công. Cái mà các công tố viên không nêu lên là câu chuyện dài về sự xâm nhập của Al-Qeada vào Indonesia.
Câu chuyện là sự thực hiện quyết tâm của tổ chức khủng bố với mục tiêu đề ra hồi thập niên 90: dần mở rộng một vòng cung từ Somalia tới Afghanistan, qua miền nam Philippines, phát triển ở những nơi có hệ thống hành pháp yếu kém, tham nhũng, và có các tổ chức vũ trang Hồi giáo muốn nâng cấp thành thành viên của các nhóm khủng bố xuyên biên giới.
Chồng của Augustina bị bắt trước vụ Bali 5 tháng, đang bị Mỹ giam giữ mà không có lời buộc tội, dù không liên quan trực tiếp đến vụ đánh bom tàn khốc này. Tuy nhiên, giới chức Indonesia và Mỹ cho rằng anh ta và một số người khác đã chuẩn bị cho cuộc tấn công bằng cách tuyên truyền và tuyển mộ. Từ cuộc chiến giữa người Hồi giáo và Thiên Chúa ở tỉnh Maluku, họ đã tuyển lựa làm tăng đáng kể số dân quân Hồi giáo, nhằm thực hiện một cuộc tấn công quy mô nhất kể từ sau sự kiện 11/9.
Con đường từ Maluku tới Bali cho thấy khả năng những cuộc "xung đột vớ vẩn" biến thành mồi lửa nhen nhóm khủng bố. Những mối bất bình nhanh chóng biến thành tư tưởng cực đoan - ngay cả ở những khu vực mà du kích Hồi giáo không có gốc rễ. Hiện tượng này được minh hoạ rõ ở Thái Lan tuần trước với sự kiện bắt giữ 3 người Thái được cho là thuộc tổ chức JI và đang âm mưu đánh bom. Miền nam Thái Lan, nơi cộng đồng người Phật giáo chiếm thế áp đảo, cũng là quê hương của những người theo đạo Hồi, vốn thường phàn nàn về sự phân biệt đối xử của chính quyền.
Xây dựng lực lượng
Người đàn ông mà Augustina lấy làm chồng có tới 7 bí danh, với tên thật là Omar al-Faruq. Thanh niên Kuwait 32 tuổi này là nhân vật phụ trách quan hệ của Al-Qeada ở Đông Nam Á. Trong vòng 4 năm, anh ta ngang dọc quần đảo Indonesia, xây dựng các mối dây liên lạc giữa Al-Qeada, JI và các nhóm dân quân khác.
Nhiệm vụ của Faruq được vạch ra bởi một nhân vật tầm cỡ nhất của Al-Qeada là Abu Zubaydah. Nhân vật gốc Palestine là tay chân thân tín của Osama bin Laden. Ngoài rất nhiều trọng trách, ông ta còn có nhiệm vụ thâm nhập các tổ chức Hồi giáo từ thiện. Zubaydah từng phái đi nhiều tay chân đến các khu vực trên thế giới dưới vỏ bọc các nhà từ thiện.
Đôi khi, những thuộc hạ này củng cố các mối quan hệ với dân quân sở tại bằng hôn nhân, như Faruq đã làm ở Indonesia. Cha vợ của Faruq, ông Fadillah, là một lãnh đạo dân quân. Nhờ những mối quan hệ như thế mà các phần tử Al-Qeada tuyển mộ thành viên và tìm nguồn tài chính.
"Al-Qeada có tính cơ hội. Chúng lợi dụng những mối bất bình của dân chúng sở tại và thuyết phục những người Hồi giáo tham gia một cuộc chiến lớn hơn", Rohan Gunaratna, một chuyên gia chống khủng bố, nói. "Mạng lưới này phát triển mạnh trong các môi trường phi luật pháp".
Hứa hẹn lãnh thổ tự do
Đối với những người hoạch định chiến lược của Al-Qeada, tình hình Indonesia sau sự sụp đổ của tổng thống Suharto năm 1998 quả là thuận lợi. Không chỉ bầu không khí chính trị thay đổi, những mối xung đột giữa các cộng đồng dân cư và nhóm dân quân địa phương được dịp nở rộ như nấm sau mưa.
Theo một bản tóm lược nội dung lời khai của Faruq, nhân vật này chính là phái viên được Zubaydah điều đi để chớp lấy thời cơ và các điều kiện thuận lợi nói trên. Faruq khai đã được huấn luyện về các chiến thuật và sử dụng chất nổ tại trại Khalden ở Afghanistan trong hai năm 1991-92. Sau đó, anh ta đến Đông Nam Á vào giữa thập niên 90.
Lúc đầu, nhiệm vụ của Faruq là liên lạc với các nhóm Hồi giáo ở miền nam Philippines. Nhưng sau khi ông Suharto đổ, anh ta chuyển trọng tâm sang Indonesia, nơi Faruq nhanh chóng thâm nhập vào cuộc chiến tôn giáo phát sinh từ Ambon, thủ phủ của tỉnh Maluku. Phái viên của Al-Qeada đã dành hầu như toàn bộ năm 1999 để gặp gỡ những nhân vật có tiềm năng trở thành lãnh đạo dân quân. Dưới vỏ bọc là người buôn ngọc trai, cà phê, và một loại gỗ quý giống như trầm hương, Faruq đã đi lại tự do và thiết lập các mối dây liên lạc. Lợi dụng sự căm phẫn của người Hồi giáo sau cuộc chiến tương tàn ở Maluku, Faruq thổi vào tai họ rằng người Hồi phải cầm lấy vũ khí. Bạo lực giữa cộng đồng Hồi và Thiên Chúa giáo diễn ra tháng 1/1999, do những bất đồng về quyền và tiền.
Ở Indonesia, dân Hồi giáo chiếm đa số, nhưng tại Maluku, tỷ lệ này là 50:50. Xung đột bắt đầu lẻ tẻ, sau đó bùng lên thành cuộc chiến tranh toàn diện. Quân đội chính phủ đã không làm gì để kiểm soát tình hình, chỉ coi đó là xung đột sắc tộc nhỏ và sẽ tự biến mất.
Nhưng hậu quả thật to lớn. Hơn 5.000 người đã chết và 100.000 gia đình phải sơ tán. "Giới lãnh đạo đã không lường được mức độ nguy hại của cuộc chiến ở Maluku", Eko Prasetyo, tác giả một vài cuốn sách về cuộc xung đột này, nhận xét. "Cuộc chiến đã tạo ra một lớp người có kỹ năng và lý tưởng gắn với khủng bố".
Còn tiếp
(Theo CSM)