"Bóng ma" Osama bin Laden sẽ vẫn còn được Al-Qaeda và các chi nhánh sử dụng. Ảnh: AFP. |
Sau chiến dịch tiêu diệt Bin Laden của biệt kích Mỹ tại Pakistan hôm 2/5, một loạt vụ khủng bố liên tiếp xảy ra và các nhóm chiến binh tuyên bố chúng đang báo thù cho cái chết của trùm Al-Qaeda. Vụ tấn công mới nhất nhằm vào quân đội Pakistan hôm qua cũng được cho là mang mục đích tương tự.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua thì tuyên bố sẽ tiếp tục các vụ tấn công đơn phương gây tranh cãi tại Pakistan như đã nhằm vào Bin Laden, nếu hành động này là cần thiết để ngăn chặn nạn khủng bố. Những diễn biến này cho thấy cuộc chiến chống khủng bố thời hậu Bin Laden dường như không có nhiều thay đổi.
Cái chết của Bin Laden không thể khiến Al-Qaeda sụp đổ vì những năm qua, mạng khủng bố này đã thay đổi dần từ cách thức tổ chức mang tính thống nhất, với hầu hết các hoạt động đều do những chỉ huy cao nhất của mạng lưới thực hiện, để trở thành một tổ chức khủng bố quốc tế có tổ chức lỏng lẻo. Các nhóm nhận là chi nhánh của Al-Qaeda hầu như tự quyết định tất cả các hành động của chúng.
Triết lý khủng bố của mạng Al-Qaeda cũng chuyển từ các vụ tấn công rầm rộ và phức tạp với sự tham gia của nhiều người như vụ 11/9/2001, sang các vụ tấn công nhỏ lẻ và thực hiện đơn giản, chỉ với một người và một quả bom. Ví dụ điển hình của chiến lược khủng bố mới này là âm mưu đánh bom trên Quảng trường Thời đại ở New York hai năm trước.
Trong khi đó, mạng Al-Qaeda hiện cũng có tính chất "mở" hơn so với thời đỉnh cao năm 2001 dưới sự cầm đầu chặt chẽ của Osama bin Laden. Theo đó, bất cứ ai cũng có thể gia nhập mạng lưới này, có thể tới Pakistan hoặc Afghanistan để được các đồng minh Al-Qaeda huấn luyện và tiến hành đặt bom ở một nơi nào đó với danh nghĩa Al-Qaeda.
Nói cách khác, việc Osama bin Laden bị tiêu diệt giống như Al-Qaeda và các chi nhánh bị mất đi một biểu tượng khủng bố thống nhất. Vì chỉ là biểu tượng và không còn chỉ huy trực tiếp như trước, nên cho dù Bin Laden đã bị loại bỏ thì hoạt động của mạng khủng bố này sẽ vẫn tiếp diễn và cuộc chiến của Mỹ chưa thể có hồi kết.
Trong khi đó, Al-Qaeda đã âm thầm cài cắm các thành viên ngầm (sleeping cell) tại các nước châu Âu và chúng sẽ vẫn xuất hiện để reo rắc nỗi kinh hoàng khi có thời cơ, cho dù còn Bin Laden hay không.
BBC cho biết, hàng trăm tín đồ Hồi giáo mang hộ chiếu châu Âu đã tới các khu vực bộ tộc sinh sống ở Pakistan để tham gia huấn luyện khủng bố rồi quay lại châu Âu chờ thời cơ. Hồi cuối tháng 4, Đức bắt 3 người Marốc vì có âm mưu đặt bom tại các khu vực công cộng. Berlin thừa nhận có hơn 200 công dân nước này từng được huấn luyện khủng bố tại Pakistan và nhiều tên đã quay lại Đức.
Mối đe dọa tương tự đến từ Al-Qaeda như ở Đức cũng được ghi nhận tại Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italy và các nước Bắc Âu. Cái chết của Osama bin Laden không thể khiến các phần tử ngầm này tự giải tán, vì chúng không hề nhận lệnh trực tiếp từ trùm khủng bố.
Tuy nhiên, Al-Qaeda chưa thể bị xoá sổ thì chiến dịch tiêu diệt Bin Laden vẫn là chiến thắng mang tính bước ngoặc trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ và phương tây. Các tài liệu bị thu giữ tại nơi ẩn náu của tên này có thể giúp các cơ quan tình báo thêm nhiều manh mối để bắt giữ các chỉ huy khác của Al-Qaeda.
Trên phương diện chiến lược, cái chết của Osama bin Laden có thể giúp giảm bớt niềm cảm hứng cho chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, đặc biệt là việc sẽ khó có nhân vật nào có thể nổi lên thay thế vai trò mang tính biểu tượng của trùm Al-Qaeda. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đang đứng trước cơ hội có thể tái định hướng cho chính sách đối ngoại và an ninh của nước này, sau gần một thập kỷ chịu ảnh hưởng từ sự tồn tại của Osama bin Laden kể từ vụ 11/9/2001.
Chưa thể xoá bỏ tận gốc Al-Qaeda, nhưng vụ tiêu diệt Bin Laden vẫn là một chiến thắng quan trọng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AFP. |
Mạng Al-Qaeda thời hậu Bin Laden
Tổ chức khủng bố quốc tế này ra đời tại Peshawar thuộc Pakistan năm 1988. Ngày nay, khu vực các bộ tộc nằm dọc biên giới hiểm trở giữa Pakistan và Afghanistan vẫn là nơi hoạt động mạnh nhất của mạng Al-Qaeda. Đây cũng là trọng điểm trong chiến dịch truy sát nghi phạm khủng bố bằng các máy bay không người lái do Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) thực hiện.
Hai nước láng giềng này cũng là nơi Al-Qaeda có nhiều đồng minh và chi nhánh khét tiếng nhất như Taliban ở Afghanistan cùng hai nhóm chiến binh Pakistan là Lashkar-e-Jhangvi và Lashkar-e-Taiba. Do đó Pakistan và Afghanistan vẫn là địa bàn hoạt động mạnh nhất của mạng khủng bố Al-Qaeda thời hậu Bin Laden. Các vụ tấn công báo thù đầu tiên của chúng cũng xảy ra tại hai nước này.
Điểm nóng số hai của Al-Qaeda là bán đảo Ảrập bao gồm Ảrập Xêút và Yemen. Mục đích của các chi nhánh Al-Qaeda tại đây là lật đổ chính phủ ở Ảrập Xêút và Yemen, đồng thời xoá bỏ ảnh hưởng của phương Tây. Vụ tấn công mang đậm dấu ấn của chi nhánh Al-Qaeda trên bán đảo Ảrập là vụ nhằm vào tàu khu trục USS Cole của Mỹ tại cảng Aden năm 2000, làm 17 binh sĩ thiệt mạng.
Al-Qaeda cũng có mặt tại khu vực Đông Phi từ lâu với hai vụ tấn công đẫm máu tại toà nhà sứ quán Mỹ ở Nairobi (Kenya) và Dar es Salaam (Tanzania) năm 1998. Nổi bật tại đây là nhóm Al-Shahab có quan hệ với Al-Qaeda, đang kiểm soát hầu hết vùng phía nam và miền trung Somalia.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương có hai chi nhánh Al-Qaeda là Jemaah Islamiah tại Indonesia và Abu Sayyaf tại Philippines. Jemaah Islamiyah là tác giả của vụ tấn công trên đảo Bali năm 2002 làm hơn 200 người chết và được coi là vụ 11/9 tại Đông Nam Á. Còn nhóm Abu Sayyaf gắn liền với các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc và âm mưu lập một quốc gia Hồi giáo trên đảo Mindanao và Sulu.
Trong khi đó, sự hiện diện của Al-Qaeda tại châu Âu không được tổ chức thống nhất như các khu vực khác. Giới chức chống khủng bố cho rằng, chiến binh Hồi giáo tại đây chỉ lấy cảm hứng từ Al-Qaeda nhưng mạng khủng bố này không trực tiếp điều hành chúng. Vụ đánh bom đường sắt tại Madrid năm 2004 và vụ khủng bố hệ thống giao thông công cộng tại London năm 2005 là những vụ khủng bố đẫm máu nhất của các tổ chức có quan hệ với Al-Qaeda tại châu Âu.
Ngoài ra, Al-Qaeda và các chi nhánh của nó còn hoạt động mạnh tại Iraq và khu vực Bắc Phi. Algeria được coi là quốc gia có dấu ấn mạnh nhất của Al-Qaeda trong khu vực, bên cạnh Tunisia, Marốc và Mauritania. Hoạt động của chúng cũng đã vượt sa mạc Sahara thâm nhập Mali và Niger. Chi nhánh nổi bật của mạng khủng bố tại đây là nhóm Al-Qaeda tại khu vực Maghreb Hồi giáo, xuất phát từ Algeria.
Đình Nguyễn