Những tài liệu tìm thấy tại căn cứ trước đây của Al-Qaeda. |
Đối với các nhân vật điều hành Al-Qaeda, đất nước Afghanistan bị chiến tranh tàn phá quả là một thiên đường. Với "tính rộng lượng" của Taliban, những người đứng đầu mạng lưới khủng bố quốc tế đã tìm thấy địa điểm lý tưởng cho việc tuyển mộ, đào tạo thành viên và hoạch định những cuộc tấn công chết người. Tuy nhiên, từ cuối tuần trước, các thành viên Al-Qaeda may mắn trốn thoát bom Mỹ và lực lượng chống Taliban đã bắt đầu gấp rút tìm kiếm căn cứ mới.
Những nhân vật chỉ huy mạng lưới khủng bố không thể hoạt động hiệu quả nếu không có trung tâm tài chính và liên lạc. Trên hết, phải có các trại huấn luyện, nơi họ truyền bá "kiến thức" cho những phần tử tấn công tự sát, các chuyên gia chất nổ, những người viết tài liệu giả mạo và những kẻ tham gia thánh chiến để bổ sung lực lượng cho mạng lưới.
Dù người lãnh đạo Al-Qaeda là ai, họ cũng phải tìm một nơi tương tự để làm căn cứ, một địa điểm an toàn, tách biệt, được dân chúng đồng tình và ít bị chính phủ trung ương yếu kém quản lý. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, điều đó không phải dễ dàng. Trước áp lực của Mỹ, đồng thời cũng sợ bị tấn công trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến chống khủng bố, những nước mà các phần tử cực đoan hướng tới như Sudan, Libya, Yemen, Pakistan đã bắt đầu chú ý đến vấn đề Al-Qaeda.
Chiến dịch ngăn chặn sự phục hồi của Al-Qaeda chủ yếu dựa vào ngoại giao và tình báo. Nguồn tin quân sự cho biết Lầu Năm Góc đã yêu cầu các chỉ huy vạch kế hoạch trấn áp lực lượng du kích từ Trung Đông tới châu Phi và châu Á. Theo các quan chức Lầu Năm Góc, 100 biệt kích sẽ được triển khai để đào tạo binh lính Philippines, giúp họ trấn áp nhóm Abu Sayyaf vốn có quan hệ với Al-Qaeda. Các cố vấn quân sự Mỹ không đến Philippines nhưng sẽ thiết lập trung tâm tình báo chung để kiểm soát các hoạt động khủng bố.
Al-Qaeda có thể tìm nơi nào để tiếp tục tồn tại?
Pakistan: Nằm ngay cạnh Afghanistan, đây là một địa điểm lý tưởng mà những tên khủng bố có thể chọn lựa. Tổng thống Pervez Musharraf đang bị thúc ép phải bắt hết những thành viên Al-Qaeda đào tẩu. Chính phủ của ông gần đây đã nỗ lực phong tỏa đường biên giới dài và khó kiểm soát. Tuy nhiên, một khi những thành viên Al-Qaeda chạy trốn từ Afghanistan qua được đây, thì họ sẽ được nhân dân khắp các tỉnh Baluchistan và biên giới phía tây bắc Pakistan che chở. Ở những khu vực bán tự trị này, quyền lực của chính quyền Islamabad rất hạn chế.
Cuộc tấn công vào Quốc hội Ấn Độ hồi tuần trước cho thấy rất khó có thể kiểm soát mạng lưới khủng bố ở Pakistan. Chính phủ nước này từ lâu đã công nhận những chiến binh thánh chiến ở Kashmir, mặc dù họ vẫn nói là chỉ hỗ trợ lực lượng này về mặt ngoại giao và tinh thần. Pakistan coi đó là những người chiến đấu vì tự do. Ấn Độ lại coi đó là biểu hiện của “chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia” nhằm đẩy nước này ra khỏi vùng đất mà Pakistan cũng tuyên bố chủ quyền. Sau ngày 11/9, cơ quan tình báo Pakistan đã phát tín hiệu cho những dân quân, du kích ở Kashmir hạn chế hoạt động. Nhưng Ấn Độ vẫn cho rằng có 3 nhóm quá khích đã phái những tay súng tự sát đến trung tâm nước mình để quấy phá. Pakistan giờ đây phải đối mặt với các nhóm cực đoan ở Kashmir, trong đó có Taliban.
Thành viên Al-Qaeda có thể ẩn náu dưới lớp vỏ "chiến binh Kashmir", hoặc tệ hơn, họ còn tìm lập căn cứ bằng cách tham gia các nhóm Hồi giáo theo đường lối cứng rắn của Pakistan. Những nhóm này đều mưu toan lật đổ Tổng thống Musharraf. Để tồn tại, ông Musharraf phải quét sạch nguy cơ khủng bố ở Afghanistan.
Somalia: Quốc gia ở vùng Sừng châu Phi dường như là lý tưởng đối với Al-Qaeda. Nước này bị chia cắt thành nhiều thái ấp của các tướng lĩnh. Người Somalia theo đạo Hồi, là dân du mục nghèo khó. Và Somalia là quê hương của tổ chức du kích al-Itihaad al-Islamiya (Đoàn kết Hồi giáo) mà Mỹ cho rằng có quan hệ với Al-Qaeda. Nhóm này từng có một số trại huấn luyện gần biên giới Kenya.
Nhận thấy khả năng Al-Qaeda có thể co cụm ở Somalia, quân đội Mỹ đã bắt đầu tuần tra bờ biển cách đây một tháng. Mỗi ngày, họ chặn đến 30-40 tàu để đảm bảo rằng không một kẻ khủng bố bỏ trốn nào được thoát thân. Thuyền lớn của hải quân có thể nghe trộm liên lạc trên biển Ảrập để cắt các thông điệp của Al-Qaeda và phá vỡ những chuyến hàng tiếp tế.
Tuần trước, 5 quan chức Mỹ đã đến Tây Somalia để hội đàm với tướng lĩnh địa phương. Một số nhà phân tích coi đây là chuyến đi do thám để xác định các mục tiêu khủng bố có thể có. Một số quan chức Lầu Năm Góc đã đề cập đến sự hiện diện của thành viên Al-Qaeda ở Somalia, và nếu Washington thấy cần phải tấn công thì nước này là một mục tiêu chính trị - quân sự gây tranh cãi. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự hiện diện của các điệp viên tình báo Mỹ có nghĩa như một lời cảnh báo: "Chúng tôi đang theo dõi, chúng tôi sẵn sàng vào Somalia, hãy cẩn thận".
Dân Somalia thì không cho rằng các phần tử khủng bố đang hướng vào nước họ. Nhưng cũng rất ít người Somalia phản đối giải thưởng dành cho ai nộp thủ cấp những người đứng đầu Al-Qaeda. Hassan Awaale, cảnh sát trưởng ở Mogadishu, nói: “Chúng tôi sẽ giao nộp họ và đòi tiền trả cho những người có công”. Quan chức Liên Hợp Quốc, các nhà ngoại giao và nhân viên cứu trợ phương Tây nhất trí rằng các trại huấn luyện của al-Itihaad trong thập kỷ 90 không còn tồn tại và nhóm này đã bị tiêu diệt từ năm 1997.
Yemen: Đây là quê hương bin Laden và từ lâu là nơi trú ẩn của những kẻ khủng bố. Chúng có thể tụ tập một cách thoải mái trên núi, ngoài tầm kiểm soát của chính phủ. Nhiều binh lính từ thời chiến tranh chống Liên Xô của Afghanistan đã sống cuộc đời băng đảng ở đây và tiếp tay cho những kẻ Hồi giáo cấp tiến. Theo một nhà ngoại giao phương Tây làm việc ở thủ đô Sanaa, Yemen là một cứ điểm quan trọng đối với các phần tử khủng bố.
Lâu nay, Washington vẫn than phiền rằng Yemen không hợp tác đầy đủ trong việc chống khủng bố. Tuy nhiên, mọi sự đã thay đổi kể từ sau ngày 11/9. Tổng thống Ali Abdullah Saleh đã tới Washington hồi tháng trước để thể hiện mong muốn giải quyết nạn khủng bố. Yemen chia sẻ những thông tin tình báo quý giá mà Mỹ rất mong muốn. Những thầy tu truyền đạo có tư tưởng chỉ hơi chống Mỹ, giờ cũng im hơi lặng tiếng và các cơ sở kinh doanh mà Washington buộc tội tài trợ cho al-Qaeda đều đã bị đóng cửa.
Sudan: Nước này đã phải hứng chịu các cuộc không kích của Mỹ hồi năm 1998 vì có quan hệ với bin Laden. Tất nhiên, họ không hề muốn kịch bản trên tái diễn. 6 năm có mặt trên danh sách "những quốc gia dung túng quân khủng bố" của Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho thấy cái giá phải trả. Người ta vẫn nghi Sudan ủng hộ chủ nghĩa cực đoan, tuy nhiên, chính phủ nước này tuyên bố họ không còn như vậy nữa. Nhóm Hồi giáo Hassan al-Turabi, trước đây lãnh đạo chính phủ Mặt trận Hồi giáo Quốc gia, đã bị triệt phá hồi năm trước.
Nghe lời hứa viện trợ của Mỹ, sợ bị đưa vào danh sách đen một lần nữa, lại thêm bị Ai Cập thúc đẩy, Sudan đã chấm dứt các hoạt động bị coi là "hỗ trợ chủ nghĩa cực đoan" từ một năm nay. Việc hợp tác chống khủng bố lại càng đáng chú ý sau khi tòa tháp đôi sụp đổ. Sudan đã chia sẻ với Mỹ nhiều tài liệu quý giá về những năm tháng họ giám sát Al-Qaeda.
Đông Nam Á: Liệu các nhóm Hồi giáo ở Indonesia, Malaysia và Philippines có chứa chấp chiến binh thánh chiến không? Người ta cho rằng Al-Qaeda đặt nhiều trại huấn luyện ở Philippines và có chung sự nghiệp với phiến quân Abu Sayyaf, lực lượng đang đòi thành lập quốc gia Hồi giáo trên đảo Mindanao. Chính quyền Bush đã cam kết trợ giúp Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo 19 triệu USD để chiến đấu chống Abu Sayyaf và sẽ gửi đến đây những vũ khí hiện đại.
Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của Mỹ là phải đảm bảo để không một nước nào cho Al-Qaeda nơi ẩn náu lý tưởng như Afghanistan dưới thời Taliban.
Hạnh Dung (theo Time)