Trên trang Twitter của mình nhà nghiên cứu Thomas Roth chia sẻ video về kết quả cũng như quá trình làm việc của mình để thay đổi hoạt động của AirTag. Cụ thể, khi chủ nhân của AirTag bật chế độ thông báo mất thiết bị, nếu có iPhone lại gần, chiếc iPhone đó sẽ được gợi ý truy cập vào trang "found.apple.com". Tuy nhiên, với chiếc AirTag bị can thiệp, iPhone đã hiển thị trang web của nhà nghiên cứu này.
Thomas Roth cho biết anh đã xâm nhập và bộ vi điều khiển của AirTag, sau đó "flash" lại thành phần này để sửa đổi hoạt động của thiết bị. Thời gian thực hiện trong nhiều giờ và khiến hai chiếc AirTag bị hỏng, trước khi thành công.
Vi điều khiển là một hệ thống gồm vi mạch tích hợp chứa bộ vi xử lý, bộ nhớ cũng như các thành phần ngoại vi khác. Theo trang the8-bit, việc giành quyền kiểm soát vi điều khiển cho phép hacker có thể biến thiết bị hoạt động theo ý của mình. Trong trường hợp của AirTag kể trên, thay đổi URL ở chế độ Lost Mode khiến việc tìm kiếm chủ nhân của AirTag sẽ không còn khả dụng.
Hành động này được ví như "jailbreak" thiết bị và là minh chứng đầu tiên cho việc AirTag có thể bị tấn công. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chưa có ý kiến về việc, liệu hacker có thể thay đổi AirTag ở mức độ nào và liệu Apple có triển khai biện pháp nào để ngăn chặn việc này.
Công bố của Thomas Roth xuất hiện chỉ 10 ngày sau khi AirTag có mặt trên thị trường. Chuyên gia bảo mật này cho biết đã làm hỏng hai chiếc AirTag trước khi thực hiện thành công.
Apple hiện chưa có bình luận về việc này. Trong buổi ra mắt, hãng khẳng định "quyền riêng tư và bảo mật là các tính năng cốt lõi của AirTag". Tuy nhiên, thiết bị này cũng bị lo ngại có thể bị dùng để theo dõi người khác.
AirTag dự kiến bán chính hãng tại Việt Nam vào tháng 6 với giá 790 nghìn đồng mỗi chiếc. Mới đây, nhiều cửa hàng xách tay đã nhập AirTag về và bán với giá khoảng 900 nghìn đồng mỗi chiếc.
Lưu Quý