Ở dạng hoàn chỉnh, máy bay Flying V có một cabin, khoang để hàng và bình nhiên liệu tích hợp trên cấu trúc cánh hình chữ V. Kích thước sải cánh tương đương máy bay Airbus 350. Điều này cho phép Flying V cất hạ cánh với cơ sở hạ tầng sân bay hiện nay, đồng thời có đủ không gian để chở số lượng hành khách và hàng hóa lớn không kém, với 314 ghế ngồi ở cấu hình tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, Flying V mang lại một số lợi ích qua cải tiến khí động học với bộ khung nhỏ hơn. Trọng lượng nhỏ kéo theo lực cản thấp hơn, giúp mẫu máy bay tiêu thụ ít nhiên liệu hơn. Theo nhóm nghiên cứu, trọng lượng nhẹ kết hợp với hình dáng độc đáo của Flying V khiến phương tiện sử dụng ít hơn 20% so với mẫu Airbus A350-900, máy bay thương mại tân tiến nhất ngày nay.
Nhóm nghiên cứu hợp tác với hãng hàng không Hà Lan KLM để phát triển mô hình cỡ nhỏ của mẫu máy bay. Với sải cánh 3,06 m, chiều dài 2,76 m và trọng lượng 22,5 kg, mô hình hoàn chỉnh chỉ nhỏ bằng một góc của thiết kế dài 55 m, nhưng vẫn cho phép các nhà nghiên cứu tiến hành một số thử nghiệm quan trọng và hữu ích.
Máy bay mô hình trang bị hệ thống kiểm soát dành cho drone và bộ pin lithium-polymer 6 kg. Phương tiện trải qua các thử nghiệm trong đường hầm gió và trên mặt đất ở Hà Lan trước khi được chuyển tới Đức cho chuyến bay đầu tiên. Nhóm nghiên cứu lên kế hoạch xem xét cách mô hình cỡ nhỏ cất cánh, thực hiện hàng loạt thao tác cho tới khi bộ pin gần cạn và hạ cánh an toàn. Dưới sự điều khiển của phi công lái drone Nando van Arnhem, chuyến bay đầu tiên của máy bay mô hình được đánh giá là thành công.
Hiện nay, nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu bay để phân tích và sử dụng làm nền tảng cho mô hình khí động mới. Mô hình này có thể được dùng để xác định những thay đổi cần tiến hành nhằm đảm bảo quá trình bay mượt hơn. Từ đó, các nhà nghiên cứu sẽ tinh chỉnh thiết kế, tiến tới thay thế nhiên liệu kerosene bằng hydro lỏng.
An Khang (Theo New Atlas)