Chúng tôi lúc đó đang trong khóa đào tạo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động dạy và học dựa trên công nghệ Google" do Sở Giáo dục & Đào tạo TP HCM tổ chức trong tháng 7. Một câu hỏi được đặt ra là "Liệu AI có thể thay thế vai trò của giáo viên"?
Trong một tình huống khác, giáo viên được xem đoạn video phát hành cách đây hai tháng, trong đó nhà sáng lập Học viện Giáo dục Khan "nhờ" ChatGPT-4o giảng một bài toán cho con trai. Ông yêu cầu AI không được đưa ra lời giải mà hướng dẫn học trò tự tìm đáp án. Khi được mời phát biểu cảm nhận sau khi xem, nhiều giáo viên chia sẻ "mình sắp sửa thất nghiệp vì AI hướng dẫn quá chính xác và dễ hiểu". Một người còn ngạc nhiên về sự tử tế, nhẹ nhàng của AI trong quá trình trao đổi với học sinh.
Việc triển khai các dự án sử dụng AI robot hỗ trợ thầy cô giáo trong trường học đã diễn ra trên thế giới từ lâu. Tháng 3/2018, các trường tiểu học ở thành phố Tampere, phía nam Phần Lan đã sử dụng robot tên là Elias dạy ngoại ngữ và robot OVObot kèm toán cho học sinh. Elias có thể hiểu và nói thành thạo 23 thứ tiếng, và không bao giờ khiến cho học sinh cảm thấy xấu hổ khi đặt bất cứ câu hỏi nào. Tháng 12/2018, AI Robot Keeko được triển khai làm trợ giảng cho 600 trường mầm non ở Trung Quốc. Keeko biết đọc sách và dạy toán. Nó còn biết hát, múa, chơi trò chơi. Khi trò chuyện, hỏi đố, trợ giảng Keeko biết thể hiện phản ứng bằng khuôn mặt cười khi các bé trả lời đúng. Tháng 4/ 2019, Bộ Giáo dục Đào tạo Nhật Bản đã triển khai dạy tiếng Anh bằng robot đến 500 trường tiểu học để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên.
Tuy nhiên để AI có thể thay thế hoàn toàn giáo viên vẫn là một viễn cảnh khá xa.
Hai năm gần đây, nhiều AI tạo sinh như ChatGPT, Gemini, Claude Sonet ra đời... Mặc dù không nằm trong độ tuổi được chính thức cấp tài khoản sử dụng, không ít học sinh đã "làm quen" các ứng dụng này để giải toán, viết văn, vẽ tranh, lên ý tưởng cho những dự án học tập.
Ở Mỹ, cuộc thăm dò học sinh độ tuổi 13 đến 17, do tạp chí Junior Achievement và công ty nghiên cứu Big Village thực hiện, đưa ra kết quả: 44% học sinh sử dụng AI để hoàn thành bài tập về nhà thay vì tự làm trong năm học 2022-2023. Tuy nhiên, 60% trong số này hiểu rằng, sử dụng và phụ thuộc vào AI như vậy là gian lận. Ở TP HCM, trong một cuộc khảo sát nhỏ của AI Education (Google) vào tháng 12/2023 tại một trường THPT, 39% trong số 267 học sinh đã sử dụng ít nhất một công cụ AI hỗ trợ việc học tập và giải trí. Nhiều giáo viên đến với khóa học do Sở tổ chức để tìm giải pháp ứng phó khi biết học sinh sử dụng các ứng dụng AI khá thành thạo.
Trong bối cảnh đó, giáo viên có vai trò càng quan trọng hơn đối với học sinh, liên quan đến việc sử dụng AI. Giáo viên cần có năng lực hướng dẫn để học sinh sử dụng AI một cách an toàn, có đạo đức và cân bằng. Học sinh cần có kỹ năng để bảo vệ quyền riêng tư và tránh rủi ro bị sử dụng dữ liệu trái phép. Các em cũng phải ý thức được những thành kiến, thiên vị và đôi khi không chính xác của những câu trả lời do AI cung cấp. Và quan trọng nhất, các em cần phải minh bạch, công khai những ý tưởng do AI cung cấp và những suy nghĩ độc lập của riêng mình, vì đó là đạo đức trong sử dụng AI.
Sau rất nhiều tình huống thực tế được đặt ra, chúng tôi trở lại với câu hỏi thú vị ban đầu: "Liệu AI có thể thay thế giáo viên?".
Có giáo viên nhận ra rằng AI giúp thu thập thông tin, dữ liệu về học sinh, phụ huynh nhưng chưa thể sâu sát từng em, nhất là những học sinh có vấn đề về tâm lý. Nhiều giáo viên đồng tình AI có thể giúp các em giải bài tập, tìm kiếm ý tưởng cho dự án nhưng chưa thể khơi gợi niềm cảm hứng, tạo động lực để học sinh có ước mơ lớn và niềm tin vào tương lai. Ý kiến khác nhận định: AI giúp học sinh cá nhân hóa việc học tốt hơn nhưng chưa thể giúp các em có được những cơ hội rèn luyện những kỹ năng quan trọng như làm việc nhóm, giao tiếp; vì các robot vẫn chưa có nhiều sáng tạo về phương pháp dạy học tích cực như giáo viên.
Những ý kiến này đều có lý. Tôi cũng chắc chắn rằng AI sẽ không thể thay thế nổi những giáo viên biết quan tâm chu đáo, khơi gợi động lực học tập tích cực, truyền cảm hứng về những ước mơ tốt đẹp cho học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Bởi trường học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức, mà còn là môi trường đầu tiên hình thành nhân cách mỗi cá nhân.
Nhưng với tốc độ phát triển của AI hiện nay, sẽ có những vai trò, phần việc nhất định của giáo viên bị robot thay thế. Và đó chính là những điểm cần được nghiên cứu để bổ sung, thay đổi giáo trình đào tạo sư phạm của hệ thống trường đại học cao đẳng hiện nay.
Nếu chậm nhịp, những thế hệ giáo viên mới trong tương lai có thể đã lạc hậu, chậm chạp hơn các "người máy dạy học" ngay từ khi vừa ra trường.
Trần Minh Trọng