Thế nhưng tuổi thơ không mãi mãi. Tôi bắt đầu chứng kiến bố mẹ già đi, ốm đau khi còn rất trẻ. Bố tôi những năm cuối đời gần như chỉ sống trong bệnh viện. Chị em thay nhau trông. Tôi trông ca tối cho đến sáng. Thời gian cứ vịn vào sự thay đổi màu lá cây ngoài sân bệnh viện.
Cạnh giường bố có bệnh nhân quê Hải Dương, con trai ông kém tôi vài tuổi, rất hồn nhiên kể tội bố "bồ bịch nửa thành phố", cờ bạc tán gia bại sản. Ông ấy mải phiêu lưu, đến khi ốm nặng mới về nhà, hai mẹ con đưa ra Hà Nội chữa bệnh, nằm hôn mê từ xuân sang đông, cạn kiệt tiền bạc. Người mẹ cứ ra ngoài làm thuê vài ngày mới quay lại bệnh viện, ngồi thẫn thờ cả buổi, cầm tay chồng đang nằm dưới lớp chăn mỏng như không hề tồn tại dưới ấy một cơ thể ốm yếu.
Dù kể tội bố, tôi để ý anh bạn này rất lễ phép khi trò chuyện qua điện thoại với mẹ. Tóm tắt tình hình sức khỏe của bố, hỏi thăm mẹ chi ly, kể chuyện "con vừa ăn xong no lắm", "hôm qua trộm trèo vào khoa, may mà con giấu tiền trong đũng quần nên nó rạch là con biết ngay"... Tôi tin rằng những lời thủ thỉ trên điện thoại như vậy là món quà tinh thần rất đáng quí cậu dành cho mẹ trong cơn bĩ cực của gia đình.
Tôi vẫn giữ lại được mấy chiếc điện thoại Nokia từ thời xa xưa, pin hỏng nhưng vẫn dùng được. Chúng là vật chứng một thời lưu lại những cuộc gọi cho bố. Nokia khi ấy chỉ có 1KB bộ nhớ, lưu giữ được 10 tin nhắn và danh bạ 120 người. Có thể họ cho rằng cuộc đời mỗi người chỉ có thể chăm sóc quan hệ tốt đẹp với tối đa 120 người.
Thời đại điện thoại thông minh lưu giữ được hàng vạn số điện thoại, ảnh, clip, và cả những mối quan hệ ruột thịt nhạt nhòa.
Có lần ngồi cạnh người bạn mới quen, điện thoại anh ấy đổ chuông, trên màn hình hiện chữ "Mẹ yêu". Cụ bà hỏi chuyện cơm nước, anh nhấm nhẳng "không ăn nhớ, ăn trước đi... ăn ngoài rồi... ăn với bạn chứ với ai... "Lằng nhằng", anh nhăn nhó, ấn nút đỏ dứt điểm tới ba lần để cúp máy.
Tôi thấy không có mối liên quan giữa lời thoại và cách đặt tên trong danh bạ điện thoại của ông bạn.
Gần 10 năm trước, tôi có một nhóm anh em hay rủ nhau đi chơi xa dài ngày. Đến ngày thứ ba một chuyến đi, ăn trưa gần xong, một anh trong đoàn bảo tôi: "Bọn em thích nhỉ, lúc nào cũng có người gọi điện hỏi thăm". Giật mình vài giây về câu nói này, tôi mới nhớ ra anh ấy không có người thân nào cả. Vài năm sau anh theo nhà Phật.
Chúng ta, hình như ai cũng từng có một khoảng lặng, mong chờ một cuộc gọi. Trong cái mênh mang ấy, không rõ rệt mình muốn gọi cho ai hay chờ đợi ai đó cụ thể, đơn giản ngồi lặng im chờ xem có ai nhớ đến mình tại thời điểm đó không.
Trong một phim tài liệu về hoàng gia Anh, hoàng tử William và Harry cho biết vào ngày Công nương Diana gặp tai nạn rồi qua đời, họ vẫn đang mải chơi khi bà gọi điện về. Đó là lần cuối cùng hai chàng trai có cơ hội nói chuyện với mẹ của mình. Chính điều này đã trở thành nỗi day dứt của anh em họ tới tận bây giờ.
"Lúc nhỏ, tôi không thích nói chuyện với bố mẹ qua điện thoại. Khi điện thoại đổ chuông, William đã chạy tới và nói chuyện với mẹ trong khoảng năm phút. Chúng tôi hờ hững, chỉ muốn mau chóng nói lời chào tạm biệt, hẹn gặp mẹ sớm và sau đó cúp máy", Harry kể. Anh không thực sự nhớ hết những gì đã nói lúc đó, nhưng tất cả còn lại hằn sâu trong tâm trí là sự nuối tiếc trong suốt phần đời còn lại của mình.
Mỗi cuộc gọi của người thân đôi lúc bị coi là nhàm chán, thậm chí phiền, nhưng nó đắp vào ký ức chúng ta một chút hạnh phúc nếu đón nhận bằng tâm thế tương xứng. Cuộc gọi của bạn với người thân gần đây nhất là khi nào?
Hoàng Minh Trí