Vài ngày sau gặp lại, Tràng không còn nhận ra cô gái ấy bởi vẻ tiều tụy, đói rách làm cô đã khác đi rất nhiều. Tràng đã mời cô gái một bữa ăn, cô liền ăn một lúc bốn bát bánh đúc. Sau một câu nói nửa thật nửa đùa "Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về", cô gái theo anh về làm vợ.
Theo nhà giáo Đỗ Kim Hồi, phải chờ đến câu này thì sáng tạo nghệ thuật có ý nghĩa quyết định của Kim Lân mới thực sự xuất hiện và guồng máy nghệ thuật trong thiên truyện ngắn kể từ đó mới thực sự vận hành: "Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói ấy, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa".
Một người đàn bà đã bước vào đời sống của Tràng. Tràng đã có vợ. Người như Tràng mà cũng có vợ. Cái kẻ mang bộ dạng giống như con gấu hoặc gốc cây xù xì, trần trụi ấy, lại ở trong cuộc đời đang bị đẩy sát tới ranh giới phân chia giữa tồn tại và không tồn tại thế kia, mà lại nhặt được đúng cái thứ biểu trưng cho hạnh phúc.
Tràng có vợ, mà lại có theo cách hiển hách, cứ y như một anh chàng tốt số, đào hoa, chỉ buông ra một vài lời tán tỉnh mà đã có cô nàng vội vã chạy theo. Tưởng đâu là câu chuyện truyền kỳ về một thời thảm hại.
Câu 3: Tâm trạng của bà cụ Tứ (mẹ của Tràng) khi thấy anh dắt vợ về như thế nào?