Việc Tràng "nhặt" được vợ đã làm cả xóm ngụ cư ngạc nhiên, nhất là cụ Tứ (mẹ của Tràng) bàng hoàng bởi bà lo hai người sẽ sống ra sao trong tình cảnh thê lương lúc bấy giờ.
Trích đoạn Vợ nhặt trong bối cảnh Tràng dẫn vợ về nhà ra mắt mẹ:
...Bà lão phấp phỏng bước theo con vào trong nhà. Đến giữa sân bà lão đứng sững lại, bà lão càng ngạc nhiên hơn. Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ? Bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn ra thì phải. Bà lão nhìn kỹ người đàn bà lẫn nữa, vẫn chưa nhận ra người nào. Bà lão quay lại nhìn con tỏ ý không hiểu.
Tràng tươi cười:
- Thì u hẵng vào ngồi lên giường lên diếc chĩnh chện cái đã nào.
Bà lão lập cập bước vào. Người đàn bà tưởng bà lão già cả, điếc lác, thị cất tiếng chào lần nữa:
- U đã về ạ!
Ô hay, thế là thế nào nhỉ? Bà lão băn khoăn ngồi xuống giường.
Tràng nhắc mẹ:
- Kìa, nhà tôi nó chào u.
Thấy mẹ vẫn chưa hiểu, hắn bước lại gần nói tiếp:
- Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau... Chẳng qua nó cũng là cái số cả...
Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?
Gác lại nỗi lo, bà cụ cũng đã hiểu và chấp nhận con dâu. "Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng", bà cụ Tứ nói với Tràng và vợ.
Nhà giáo Đỗ Kim Hồi khi phân tích trích đoạn này đã nhấn mạnh câu nói "Kìa, nhà tôi nó chào u". Cái người mà Tràng gọi là "nhà tôi", tức nàng dâu đang thực hiện nghi lễ ra mắt mẹ chồng lại chỉ là người đàn bà nhặt được, theo không, không cưới hỏi, không nhan sắc, bộ áo "cô dâu" trong ngày vu quy xơ xác như tổ đỉa. Tuy nhiên, mấy tiếng "nhà tôi nó chào u" vẫn nghe như có gì nở ruột, nở gan, xác nhận rằng Tràng đã có vợ.
Khi phân tích về tâm trạng người mẹ, tác giả Đỗ Kim Hồi chú ý việc nhà văn Kim Lân dùng từ "mừng lòng" chứ không phải "bằng lòng" là một sự tinh tế, khéo léo. Câu nói "Có đèn đấy à? Ừ thắp lên một tí cho sáng sủa... Dầu bây giờ đắt gớm lên ấy mày ạ" vừa có vẻ dớ dẩn, không đâu vào đâu của người già, lại vừa lột tả đúng thần thái của một tấm lòng vị tha cao quý đang ngượng ngập, vụng về tìm cách giấu đi dòng nước mắt xót thương vì sợ phiền cho chính người mình thương xót. Những câu nói như thế nói với ta về lòng nhân từ của những người nghèo khổ còn thấm thía hơn bao nhiêu bài thuyết giảng dài dòng.
Việc bà cụ Tứ lo việc đan cái phên ngăn riêng chỗ vợ chồng đứa con cho kín đáo, chuyện mua lấy đôi gà để nuôi đến những ước mơ xa vời hơn cho thấy, người mẹ sống vì con, hy sinh cho con. Bà tìm thấy ý nghĩa của đời mình giữa những tháng năm tăm tối trong sự vun vén cho con, cho cháu.
Câu 4: Trong bữa ăn buổi sáng hôm sau, bà cụ Tứ mời con dâu ăn cám, món mà bà gọi vui là gì?