Tại phiên thứ ba Diễn đàn "Công nghệ Việt trong kỷ nguyên kết nối mới" diễn ra sáng 8/1 tại Gem Center (TP HCM), đại diện các bộ ngành, công ty công nghệ Việt Nam, nhà mạng lớn trong nước, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo hàng đầu... chia sẻ góc nhìn cùng những thách thức với nền công nghệ trong nước trước một kỷ nguyên mới. Trước đó trong ngày 7/1, hàng trăm chuyên gia đã lắng nghe, chia sẻ về toàn cảnh triển khai 5G tại Việt Nam trong kỷ nguyên mới, giá trị của nền tảng công nghệ kết nối mới và những ứng dụng khả dĩ tại thị trường Việt Nam. Đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp công nghệ và nhà mạng cũng đồng tình để triển khai hiệu quả và phát huy hết sức mạnh của nền tảng kết nối thế hệ mới, cần nỗ lực của tất cả các thành phần thuộc hệ sinh thái 5G gồm Chính phủ, doanh nghiệp cung cấp thiết bị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và người dùng.

Ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Quỳnh Trần.
Ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ khai mạc phiên thứ ba với bài trình bày chủ điểm "Sức mạnh của AI trong kỷ nguyên kết nối mới". Trong những nghiên cứu phân tích xây dựng chiến lược AI cho Việt Nam, để triển khai và ứng dụng được AI cần ba yếu tố quan trọng. Đầu tiên là nhu cầu thiết thân của lĩnh vực đó, kế đến là dữ liệu và cuối cùng là giải pháp kỹ thuật.
Để giải quyết được 3 vấn đề đó, cần sự vào cuộc của doanh nghiệp, người dân, Chính phủ để tạo ra dữ liệu; cần sự hình thành của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới để tạo ra giải pháp. Bằng những nỗ lực, kiên trì, lợi thế về thị trường và các vấn đề cần giải quyết, Thứ trưởng tin tưởng các doanh nghiệp sẽ tạo ra được giải pháp về trí tuệ nhân tạo đồng thời hình thành nên cộng đồng về trí tuệ nhân tạo, xây dựng văn hóa kết nối dữ liệu trong tương lai.

Phó chủ tịch Bkav Vũ Thanh Thắng. Ảnh: Quỳnh Trần.
Phó chủ tịch Bkav, Vũ Thanh Thắng tiếp tục phiên thứ ba Tech Awards 2020 với chủ đề "Nền tảng Open AI View cho AI camera". Theo nghiên cứu của Bkav, có khoảng 770 triệu camera đang hoạt động, dự kiến đến 2021 con số tăng lên một tỷ. Tổng quy mô năm 2019 gần 43 tỷ USD, dự kiến đạt gần 145 tỷ USD năm 2027 với tốc độ tăng trưởng trung bình 14,6%. Còn tại Việt Nam, tổng số camera hoạt động lên tới 2,6 triệu chiệc. 6 tháng đầu năm 2020, số lượng camera nhập khẩu hơn 1,5 triệu chiếc. Dự kiến năm 2021 số lượng camera nhập khẩu có thể lên hơn 4 triệu chiếc, theo báo cáo của Comparitech.
Ông Vũ Thanh Thắng giới thiệu nền tảng mở của AI View như những ứng dụng như tìm kiếm tội phạm, an ninh giao thông, giáo dục... cùng hàng trăm, hàng nghìn bài toán khác. Chỉ một giải pháp AI View không thể giải quyết hết tất cả bài toán. Do đó cần kêu gọi nguồn lực cộng đồng, thu hút nhân tài, góp phần năng hiệu suất của giải pháp AI. Bkav quyết định mở nền tảng AI View để tất cả doanh nghiệp, nhà phát triển ứng dụng có thể tham gia. Nền tảng này đã được xây dựng 18 năm, chi phí hàng nghìn tỷ đồng, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, nhà phát triển ứng dụng tham gia khai thác, cung cấp ứng dụng mà không phải tốn chi phí đầu tư ban đầu. Nền tảng cũng có sẵn những module AI cơ bản dễ dàng được tùy biến và ứng dụng trong các giải pháp thực tiễn.

Bà Nguyễn Huyền My - Giám đốc Marketing Ngành hàng Điện tử Nghe nhìn, Công ty Samsung Vina. Ảnh: Quỳnh Trần.
Bà Nguyễn Huyền My - Giám đốc Marketing Ngành hàng Điện tử Nghe nhìn, Công ty Samsung Vina chia sẻ về những trải nghiệm mà AI mang đến cho người dùng, đặc biệt trong không gian gia đình. AI được sáng tạo bởi con người, phục vụ cho con người. Samsung đã trải qua nhiều thập kỷ để nghiên cứu nhu cầu, hành vi người dùng, xây dựng kho dữ liệu, phát triển thuật toán AI, ứng dụng vào thiết bị đầu cuối để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Trong một năm, Samsung đưa ra thị trường nửa tỷ thiết bị. Do đó tập đoàn phải kết nối những thiết bị này với nhau để mang đến giải pháp phục vụ người tiêu dùng.
Bài toán quan trọng nhất trong ứng dụng AI vào giám sát an ninh gia đình là censor, để xem có người lạ viếng thăm ngôi nhà hay không, có quên tắt đèn, điện, nước hay không... Tất cả dữ liệu đều được bảo mật tối ưu. Mới đây tại CES, Samsung giới thiệu tính năng kết nối tất cả thiết bị giải trí lên trên màn hình tivi, giúp kiểm soát tất cả thiết bị điện gia dụng, camera... Ngoài ra tính năng này còn có thể kết nối những thiết bị cũ như quạt, tủ lạnh, máy giặt truyền thống chưa tích hợp IoT.

Ông Trần Thế Toàn - Phó giám đốc công nghệ mảng di động Lazada. Ảnh: Quỳnh Trần.
Ông Trần Thế Toàn - Phó giám đốc công nghệ mảng di động Lazada chia sẻ về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử. AI sẽ giúp nhà bán hàng tiết kiệm thời gian đóng hàng, gói hàng, vận chuyển hàng đi. Nhà bán hàng cũng sẽ thấy được thời gian vận chuyển đơn hàng, từ đó điều chỉnh quyết định kinh doanh, tối ưu hóa mặt hàng nào... Khi nhà bán hàng liệt kê danh mục sản phẩm, AI trên Lazada sẽ giúp người dùng phân loại sản phẩm tự động, đạt đến 95% độ chính xác trong điều kiện sản phẩm tiếng Việt.
AI còn giúp Lazada tăng khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng đặc biệt trong các lễ hội mua sắm. Trong các chiến dịch này, nhu cầu giao dịch tăng nhiều lần. Để đảm bảo vận hành xuyên suốt, trải nghiệm khách hàng không gián đoạn, sàn thương mại điện tử này ứng dụng trí tuệ nhân tạo để dự báo nhu cầu và năng lực của hệ thống, từ đó giúp sàn có quyết định điều phối hạ tầng, vận hành con người phù hợp.

Ông Trần Viết Quân - nhà sáng lập Công ty CP Ứng dụng di động Xanh (Tanca). Ảnh: Quỳnh Trần.
Ông Trần Viết Quân - nhà sáng lập Công ty CP Ứng dụng di động Xanh (Tanca) cho biết ngay khi Covid-19 bùng nổ, Tanca đã lập tức nghiên cứu phát triển camera AI để giúp doanh nghiệp chấm công không tiếp xúc. Với khoảng cách dưới 5 m, camera có thể tự động nhận diện khuôn mặt, giúp nhân viên không phải nhớ việc chấm công, giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả đồng thời đảm bảo phòng dịch. Camera có thể nhận diện hàng chục người trong khung hình, giảm tình trạng xếp hàng chờ chấm công. Kế đến, AI quản lý được người lạ đi vào doanh nghiệp 24/7, có thể được tích hợp hệ thống đóng mở cửa để ngăn người lạ xâm nhập.
Hệ thống có thể tích hợp với ứng dụng di động để thông báo gần như lập tức về tình trạng ra vào của văn phòng doanh nghiệp. Phần mềm xây dựng dựa trên thiết bị, giải pháp phần mềm và dữ liệu, giải quyết vấn đề không ai có thể gian lận trong chấm công, giảm hàng giờ chấm công mỗi ngày, tăng hiệu suất lao động. AI giải quyết rất sâu nhiều bài toán của doanh nghiệp, đặc biệt trong mảng nhân sự. Nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã ứng dụng AI vào tìm kiếm nhân tài, đánh giá hiệu quả của đội ngũ lao động, dựa vào dữ liệu. AI gần như không có giới hạn trong việc tạo trải nghiệm mới, xây dựng cách thức giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Nhạc sỹ, kỹ sư Bảo Đại. Ảnh: Quỳnh Trần.
Nhạc sỹ, kỹ sư Bảo Đại chia sẻ về ứng dụng của AI trong lĩnh vực âm nhạc. Từ trải nghiệm cá nhân, Bảo Đại cho biết nhiều lần anh gặp khó với quá trình sáng tạo nhạc, dẫn đến câu hỏi liệu có thể sử dụng AI để sáng tạo nhạc hay không.
Sau khi khảo sát những ứng dụng AI trong âm nhạc trên thế giới, Bảo Đại đúc kết có một số mô hình ứng dụng AI gồm mạng neuron truyền thẳng, transformer và vanilla RNN (mạng neuron hồi quy). Qua một số ví dụ về âm nhạc được giới thiệu tại sự kiện, Bảo Đại cho rằng AI vẫn còn một số hạn chế như có nhiều quãng nghịch, không có chủ âm, không có khuôn giai điệu rõ ràng, không "bắt tai". Do đó mục tiêu của anh là xây dựng mô hình AI có thể sáng tác một ca khúc nhạc nhẹ (pop) hoàn chỉnh. Quá trình xây dựng mô hình này trải qua các công đoạn: thu thập dữ liệu để huấn luyện máy bằng các file MIDI, xử lý tạp âm trong file và huấn luyện máy bằng mô hình encoder-decoder. Tổng cộng có 28.000 file dữ liệu được sử dụng.
Xem diễn biến chính