Trước hết, đeo đuổi nghệ thuật không phải là con đường để làm giàu. Hoạ may số tiền kiếm được chỉ đủ sinh hoạt mà thôi. Ở các nước phương Tây, nơi người dân có trình độ thưởng thức nghệ thuật nhất định mà một số nghệ sĩ đương đại cũng chỉ có mức sống tầm trung.
Cách đây sáu năm, tờ báo Anh The Guardian cho biết lương của một nhạc công ở dàn nhạc giao hưởng New York vào khoảng nửa triệu USD mỗi năm. Người Anh đã buồn tủi cho các nghệ sĩ của họ khi mức lương chỉ bằng 50% con số trên. Nửa triệu USD một năm, nghe khá cao nhưng sống ở trung tâm New York đắt đỏ, thì chỉ là thị dân trung lưu mà thôi.
Nhìn về quá khứ, các văn nghệ sĩ thế giới thường sống trong nghèo khó và chật vật bởi vì công chúng đương thời chưa hiểu hết tầm vóc các tác phẩm của họ. Nhà văn Nga Dostoevsky, hoạ sĩ Hà Lan Vincent Van Gogh...lẽ ra sẽ không sống cùng cực, qua đời trong nghèo khó nếu các tác phẩm của họ được công nhận giá trị lúc họ còn sinh thời. Những bức tranh của Van Gogh có giá hàng triệu đôla thời điểm này, nhưng có ý nghĩa gì khi ông đã qua đời và sống trong bi kịch?
Nhìn về trong nước, thế kỷ trước, Nguyễn Vỹ đã than: "Nhà văn An Nam khổ hơn chó". Xuân Diệu thì cảnh báo: "Cơm áo không đùa với khách thơ". Có nghĩa là, nếu rơi vào nghiệp văn nghệ sĩ thì không nghèo khổ cũng sẽ rơi vào cái định kiến "xướng ca vô loài".
Tôi rất trân trọng các nghệ sĩ hát cải lương lập đoàn trên các ghe bầu, nay chèo xóm này, mai xóm khác để lưu diễn, kiếm tiền độ nhật ở thời trước. Tôi không kể lể nhiều, các bạn cũng hình dung ra cuộc sống của họ khổ cực, thiếu thốn như thế nào. Vậy nhưng họ vẫn rất say mê nghệ thuật, cho ra đời những tác phẩm, vở diễn kinh điển, có chiều sâu về văn hoá. Đó cũng là một hình thức phô diễn tài năng, mời gọi công chúng đến với mình. Hơn hết, sự chỉn chu lao động nghiêm túc với nghề thì trước tiên lợi ích sẽ thuộc về nghệ sĩ. Bởi hữu xạ tự nhiên hương, công chúng sẽ tự đến với mình. Khi có công chúng, tiền tài tự chảy đến là điều dĩ nhiên.
Cuộc sống trở nên dễ thở với các nghệ sĩ chỉ khi họ thành danh và do tiền tác quyền, tiền bán vé mang lại. Ngày nay, rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ sống sung túc, nhà vườn rộng thênh thang, xế hộp tiền tỷ, kim cương hột xoàn đeo đầy tay, là do từ đâu? Tiền họ kiếm được, đồng ý là do họ lao động, sáng tạo nghệ thuật mà có. Nhưng những điều này là do số đông công chúng mang lại mà thôi. Công chúng không bỏ tiền trực tiếp cho nghệ sĩ, nhưng chính sự ủng hộ, hâm mộ của công chúng là những công cụ vô hình đem lại tiền bạc cho nghệ sĩ.
Chẳng nói đâu xa, một nghệ sĩ có tài khoản mạng xã hội một triệu người theo dõi sẽ ra giá cát sê, giá quảng cáo cao hơn nhiều so với một nghệ sĩ chỉ có 10 nghìn người theo dõi. Như vậy, ai đang "nuôi" nghệ sĩ? Có phải là công chúng chưa? Không có công chúng theo dõi, thì nghệ sĩ trình diễn cho ai xem?
Người bình thường làm cả năm mới dư ra trăm triệu. Một ca sĩ, nghệ sĩ hạng A đi show một buổi tối thì dư sức kiếm gấp mấy lần, điều đó là do đâu? Có phải là do mức độ nổi tiếng dựa trên công chúng, khán giả không?
Công chúng không "nuôi" nghệ sĩ theo nghĩa đen, điều này là tất nhiên rồi. Ai cũng có tay chân và phải lao động để kiếm sống. Nhưng các nghệ sĩ làm giàu, tài sản tiền tỷ thì ít nhiều là do công chúng đem lại, dựa trên mức độ nổi tiếng. Đây có thể xem là "giá trị thặng dư" mà công chúng mang lại cho nghệ sĩ.
Vậy nên, với tư cách nghệ sĩ, nếu không có những tác phẩm gợi mở lòng nhân văn, hướng công chúng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống, hướng dẫn họ cảm thụ những triết lý của cuộc đời, mà chỉ đơn giản cung cấp những món ăn liền như các hài, nhạc xem qua là quên liền thì cũng không nên quảng cáo "thần dược", tiền ảo... hay làm những điều tổn hại đến công chúng.
Vĩnh Phan
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.