Trần Khánh Dư, không rõ năm sinh, quê ở Chí Linh (Hải Dương), là con trai của thượng tướng Trần Phó Duyệt. Ông có tài mưu lược, dùng binh, uyên thâm văn sử, song cũng nhiều tật.
Trong Lịch triều hiến chương loại chí, nhà sử học Phan Huy Chú viết Trần Khánh Dư là người tôn thất nên được phong tước Nhân Huệ vương. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất (năm 1258), ông thường thừa cơ đánh úp và giành thắng lợi. Ông được vua Trần Thánh Tông khen trí dũng, phong làm Thiên tử nghĩa nam (tức con nuôi của vua).
Thời gian làm quan trong triều, Trần Khánh Dư đã mắc trọng tội. Ông thông dâm với công chúa Thiên Thụy, con gái của vua Trần Thánh Tông, vợ của Trần Quốc Nghiễn (con trai của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn). Sự việc bị bại lộ, Trần Khánh Dư bị bắt, theo luật thời bấy giờ phải bị xử tội chết, tịch thu hết tài sản. Tuy nhiên, ông chỉ bị đánh 100 trượng, tịch thu tài sản, phế truất binh quyền và phải về quê cha ở Chí Linh làm nghề bán than kiếm sống.
Vào tháng 10/1282, sau một lần gặp gỡ, vua Trần Nhân Tông xuống chiếu tha tội cho Trần Khánh Dư và được làm quan trở lại.
Ở cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba (năm 1287), khi đó Trần Khánh Dư là phó tướng Vân Đồn, được Hưng Đạo Vương giao hết việc biên thùy cho do thủy quân của giặc đánh vào Vân Đồn. Ông đã lập công khi đánh bại thuyền vận tải lương thực của giặc, bắt được nhiều quân lương, khí giới, tù binh, buộc quân giặc phải rút lui.
Thế nhưng sau đó, vị tướng lắm tài nhiều tật này còn vướng vào một chuyện khác là lợi dụng chức quyền để buôn bán khi trấn giữ Vân Đồn. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết Trần Khánh Dư có công lao đánh quân Nguyên Mông, nhưng "có tính tham lam, phàm giữ chức trấn thủ ở nơi nào, người trong hạt đều oán ghét".
Trần Khánh Dư mất năm 1340. Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần nói về Trần Khánh Dư trong Việt sử giai thoại: "Nhờ tài cao mà lập được công lớn nhưng cũng bởi đức mỏng mà để tiếng xấu với đời. Nhân Huệ vương Khánh Dư quả có lý lịch khác thường vậy. Sau Khánh Dư còn nói Tướng là chim ưng, quân dân là vịt, lấy vịt để nuôi chim ưng thì có gì lạ. Sợ thay"!
Câu 3: "Hổ tướng họ Phạm" góp công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai và ba là ai?