Nghệ sĩ lần đầu trở lại sàn diễn sau nhiều tháng chữa xẹp đốt sống, diễn vai hồn ma trong Bàn tay của trời. Dù ở tuyến phụ, các phân đoạn đòi hỏi chị diễn xuất hình thể với cảnh té nhào, lăn lộn, lột tả nỗi oan ức, cầu xin ở lại nhân gian.
Xuất hiện ít, nghệ sĩ vẫn nhận nhiều tràng vỗ tay của khán giả mỗi khi xuất hiện. Trong chiều 20/9, chị diễn liên tiếp hai suất, người hâm mộ lấp đầy khán phòng hơn 400 ghế. Khi vở kết thúc, nhiều người nán lại tặng hoa, ôm hôn, động viên Ái Như khiến chị không kìm được xúc động.
Đầu tháng 7, Ái Như nhập viện chữa trị cột sống sau khi té từ bục cao xuống sàn sân khấu khi đang diễn vở Hãy khóc đi em. Chị nén đau, hoàn thành vai, rồi nhập viện ngay trong đêm để tiểu phẫu. Sau đó, sân khấu Hoàng Thái Thanh ngưng trong thời gian ngắn vì dịch bùng phát lần hai. Khi nằm bệnh, Ái Như nói thấm thía tình cảm của bạn bè, khán giả dành cho chị. Nhập viện, có lúc diễn viên hốt hoảng vì lo sân khấu gián đoạn hoạt động. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của mọi người, chị mau chóng lấy lại tinh thần.
Tác phẩm bàn chuyện nhân sinh: Gieo nhân nào, gặt quả nấy, với kịch bản gốc từ Những đứa con oan nghiệt của Doãn Hoàng Giang, được sân khấu Kịch Sài Gòn dựng thành vở Oa oa oa cách đây hơn 18 năm. Năm 2007, Bàn tay của trời ra mắt tại sân khấu kịch 5B, Ái Như đóng vai bà mụ, làm nhân chứng sống cho vụ án ly kỳ. Năm nay, tác phẩm trở lại với thay đổi nhỏ - bà mụ chết, còn chị vào vai hồn ma.
Kịch lấy bối cảnh thời phong kiến, kể về hai gia đình ở chung một làng nhưng lối sống đối lập, đại diện hai cực xấu - đẹp, thiện ác. Ông Đồ sống nhân nghĩa, truyền dạy đạo lý thánh hiền, một đời thanh bạch. Gia đình bá hộ Tư Chớp giàu có, làm cướp hai đời, không ngại giết người. Tư Chớp lo sợ tương lai đứa con mới sinh, bèn đem tráo với con ông Đồ, mong con học chữ, làm quan cao.
Vì lợi riêng, Tư Chớp khiến gia đình hàng xóm tan nát. Ông bà Đồ đau khổ nhìn con ruột trở nên gian ác vì không được dạy dỗ. Còn người con - Đức - không biết mình là ai sau những dối lừa. Tư Chớp cũng nuốt đắng cay trong những năm tháng lén lút, chỉ dám nhìn con ruột - Nhân, qua cửa sổ lớp học. Những mưu mô của Tư Chớp khiến ông trả giá bằng mạng sống của con ruột.
Thông điệp kịch được truyền tải hiệu quả nhờ diễn xuất đồng đều của dàn diễn viên. Trừ Thành Hội giữ vai Tư Chớp như phiên bản 2007, dàn nhân vật còn lại được thay mới. Quốc Thịnh diễn ông Đồ. Lê Nguyên Bảo, Thế Hải - đóng hai người con Nhân và Đức có tính cách đối ngược. Thế Hải làm tròn vai Đức - sống trong nhà ông Tư Chớp nên sinh hư, cuối cùng đối diện bi kịch. Ngoài ra, vở có sự góp mặt của Ngọc Tưởng, Nguyễn Long, Hoàng Vân Anh, Lê Thúy, Sĩ Hoàng...
Ở bản dựng mới, nhà thiết kế Sĩ Hoàng lấy cảm hứng từ tranh khắc gỗ của cuốn Technique du peuple Annamite (Kỹ thuật của người An Nam, tác giả Henri Oger), dùng cách may xưa để tạo nên kiểu dáng của các bộ áo dài. Còn bối cảnh mô phỏng tranh Đông Hồ với màu sắc đỏ, xanh lá, vàng chủ đạo. Âm nhạc, do Duy Thoán sáng tác mới, đậm chất ma mị, dẫn dắt người xem vào thế giới liêu trai - nơi hồn ma người mẹ vất vưởng vì oan khuất.
Bộ đôi Thành Hội - Ái Như thành lập sân khấu Hoàng Thái Thanh vào năm 2010, tập trung vào dòng kịch tâm lý - xã hội. Sau 10 năm, đơn vị này có khoảng 50 tác phẩm như Nửa đời ngơ ngác, Bao giờ sông cạn, Bông hồng cài áo, Vườn nho đắng, Con ma nhà họ Hứa... Từ sân khấu, nhiều diễn viên khẳng định thêm tên tuổi trong lòng khán giả yêu kịch, như Hồng Ánh, Trí Quang, Quý Bình, Hoàng Vân Anh, Đoàn Minh Tài, Ngọc Duyên, Quốc Thịnh, Thái Quốc...
Quỳnh Quyên