Trong bối cảnh biến chủng Omicron BA.2 lây lan, Moderna hôm 17/3 nộp đơn xin cấp phép liều vaccine thứ 4 lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA). Hãng dược này đưa ra yêu cầu vài ngày sau khi Pfizer cũng xin FDA chấp thuận liều vaccine thứ 4 cho người từ 65 tuổi trở lên. Moderna nói hồ sơ dựa trên dữ liệu gần đây về mức độ bảo vệ vaccine của hãng trước Omicron tại Mỹ và Israel.
Trong khi đó, đại diện Pfizer cho biết đơn gửi cơ quan quản lý dựa trên dữ liệu ở Israel, nước triển khai tiêm liều thứ tư cho người từ 18 tuổi trở lên. Theo đó, các nhà khoa học xem xét hồ sơ sức khỏe của khoảng 1,1 triệu người trên 60 tuổi đã tiêm liều thứ 4 và so sánh họ với nhóm chỉ tiêm ba liều. Họ phát hiện người tiêm 4 mũi vaccine có khả năng nhiễm virus thấp hơn so với nhóm chỉ tiêm ba liều.
Nghiên cứu thứ hai công bố trên Tạp chí Y học New England ngày 16/3. Các chuyên gia xem xét hồ sơ sức khỏe của nhân viên y tế Israel ở mọi lứa tuổi và phát hiện mũi vaccine thứ 4 của Pfizer và Moderna đều tăng cường mức độ kháng thể, dù không đủ hiệu quả ngăn nhiễm virus. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo đây chỉ là dữ liệu sơ bộ, chưa cho thấy lợi ích liều thứ 4 sẽ kéo dài bao lâu.
Các nhà khoa học có nhiều luồng ý kiến về vấn đề này. Tiến sĩ Yvonne Maldonado, bác sĩ bệnh truyền nhiễm nhi tại Đại học Stanford, cho biết: "Tôi không nghĩ mọi người nên tiêm thêm liều tăng cường ngay bây giờ nhưng chúng ta có thể xem xét dữ liệu hiện có".
Đến nay, nhóm duy nhất được tiêm liều thứ 4 là những người bị suy yếu miễn dịch, gồm thanh thiếu niên, người trưởng thành được cấy ghép nội tạng hoặc tế bào gốc, đang hóa trị ung thư, nhiễm HIV giai đoạn nặng hoặc chưa được điều trị, đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
Các chuyên gia cho biết chưa thể dự đoán thời điểm FDA cấp phép tiêm nhắc lại lần thứ hai (tiêm liều thứ 4) cho tất cả người lớn. Cơ quan này dự kiến sẽ triệu tập một ủy ban cố vấn vào tháng tới để thảo luận. Nhiều nhà khoa học cho rằng FDA có thể nhanh chóng phê duyệt vaccine Pfizer cho người lớn tuổi, chưa rõ liệu vaccine Moderna có được bật đèn xanh không.
Tiến sĩ Carlos del Rio, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Đại học Emory, cho biết: "Chúng tôi hiểu rằng người trên 65 tuổi, kể cả đã được tiêm phòng, vẫn có nguy cơ tử vong cao hơn người dưới 65 tuổi. Tỷ lệ tử vong sẽ giảm đáng kể nếu được tiêm tăng cường".
Lý do khiến người cao tuổi nên tiêm vaccine bổ sung là hệ miễn dịch suy yếu khi già đi, không còn sản sinh đủ lượng kháng thể như khi còn trẻ. Trên hết, người cao tuổi thường mắc các bệnh lý nền, nguy cơ chuyển nặng cao hơn.
"Bệnh tiểu đường, cao huyết áp, béo phì và bệnh thận mạn tính đều là những yếu tố nguy cơ dẫn đến Covid-19 nghiêm trọng. Chúng tôi biết rằng điều này thường biểu hiện ở độ tuổi cao hơn", tiến sĩ Christian Gaebler, nhà nghiên cứu miễn dịch học Đại học Rockefeller ở New York, nói.
Giới chuyên môn cũng thận trọng không đưa ra khuyến nghị cụ thể về thời gian tiêm liều thứ 4 khi dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả còn hạn chế. Ví dụ, nếu đợt bùng phát khác xảy ra, người cao tuổi có thể hưởng lợi từ chiến dịch tiêm nhắc lại lần thứ hai. Nhưng nếu virus không trỗi dậy cho đến mùa hè và mùa thu, việc tiêm tăng cường ngay lúc này có thể phản tác dụng, bởi khả năng miễn dịch của người dùng dần suy yếu vào thời điểm họ cần được bảo vệ nhất.
Các loại vaccine hiện tại được thiết kế dựa trên chủng virus ban đầu. Vì vậy, việc tiêm nhắc lại ngay lúc này cũng giúp kém hiệu quả hơn với các biến chủng tương lai.
"Sẽ thật tuyệt nếu chúng ta biết chính xác khi nào có đợt bùng phát tiếp theo để tiêm phòng cho mọi người. Nhưng chúng ta chưa đủ dữ liệu để biết chính xác nhịp độ và động lực của Covid-19 cũng như các biến chủng mới", tiến sĩ Amy Sherman, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Brigham và Phụ nữ ở Boston, cho hay.
Đối với người dưới 65 tuổi, đang khỏe mạnh, hầu hết chuyên gia đồng ý chỉ cần tiêm ba liều vaccine ở thời điểm này. Cụ thể, nhóm từ 20 đến 30 tuổi không hưởng lợi quá nhiều từ việc tiêm 4 mũi vaccine.
"Tôi ủng hộ tiêm liều thứ 4, nhưng ngay lúc này, trọng tâm nên là liều ba", tiến sĩ Gaebler nói.
Tiến sĩ Rio đồng ý với quan điểm này và chia sẻ: "Tôi lo ngại về hàng triệu người Mỹ không được tiêm chủng hoặc chỉ tiêm một liều. Đối với tôi, đây mới là điều chúng ta cần quan tâm". Ông cho biết thêm, tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt trên phạm vi toàn cầu giúp giảm lây truyền virus, hạn chế biến chủng mới, để người dân trở lại cuộc sống bình thường.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng đặt niềm hy vọng vào các loại vaccine mới. Pfizer và Moderna thử nghiệm phiên bản cải tiến hơn cho biến chủng Omicron. Các nhà khoa học khác thử nghiệm vaccine cho niêm mạc mũi, vaccine dựa trên protein bảo vệ tốt hơn trong tương lai.
"Chúng ta phải thực sự cẩn thận khi tính đến chiến lược vaccine, phải suy nghĩ về mục tiêu triển khai vaccine nói chung và tiêm nhắc lại dưới góc độ xã hội, vì không loại vaccine nào hiện có ngăn chặn được hoàn toàn sự lây nhiễm nCoV", tiến sĩ Sherman nói.
Thục Linh (Theo NY Times)