Ông Quán chỉ là nhân vật phụ trong truyện nhưng rất được yêu thích, bởi đó là biểu tượng cho tình cảm yêu ghét phân minh, trong sáng của quần chúng. Lẽ ghét thương là một đoạn thơ trích từ câu 473 đến 504 của truyện Lục Vân Tiên, được giảng dạy trong chương trình Văn học và Ngữ văn hàng chục năm qua.
Đoạn trích kể lại cuộc đối thoại giữa ông Quán với bốn chàng nho sinh Vân Tiên, Tử Trực, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm khi họ cùng uống rượu, làm thơ trong quán của ông trước lúc vào trường thi.
Trích đoạn dẫn theo sách Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu (Nhà xuất bản Văn học, 1971):
Quán rằng: "Kinh sử đã từng,
Coi rồi lại khiến lòng hằng xót xa.
Hỏi thời ta phải nói ra,
Vì chưng hay ghét cũng là hay thương".
Tiên rằng: "Trong đục chưa tường,
Chẳng hay thương ghét, ghét thương lẽ nào?"
Quán rằng: "Ghét việc tầm phào,
Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tới tâm.
Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm,
Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang.
Ghét đời U, Lệ đa đoan,
Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần.
Ghét đời Ngũ bá phân vân,
Chuộng bề dối trá, làm dân nhọc nhằn.
Ghét đời thúc quý phân băng,
Sớm đầu tối đánh, lằng nhằng rối dân.
Thương là thương đức thánh nhân,
Khi nơi Tống, Vệ, lúc Trần, lúc Khuông.
Thương thầy Nhan Tử dở dang,
Ba mươi mốt tuổi, tách đàng công danh.
Thương ông Gia Cát tài lành,
Gặp cơn Hán mạt, đã đành phui pha.
Thương thầy Đồng Tử cao xa,
Chí thời có chí, ngôi mà không ngôi.
Thương người Nguyên Lượng ngùi ngùi,
Lỡ bề giúp nước lại lui về cày.
Thương ông Hàn Dũ chẳng may,
Sớm dâng lời biểu tối đày đi xa.
Thương thầy Liêm, Lạc đã ra,
Bị lời xua đuổi về nhà giáo dân.
Xem qua kinh sử mấy lần,
Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương.
Sách Giảng văn Văn học Việt Nam (Nhà xuất bản Giáo dục, 1998) bình giảng: Lẽ ghét thương là lời tâm huyết của Nguyễn Đình Chiểu về nỗi ghét, tình thương. Trích đoạn có tất cả 26 câu, trong đó 10 câu nói về ghét, 16 câu nói về thương. Như vậy, số lần nói thương nhiều hơn số lần nói ghét. Bản thân tác giả cũng có ý nói rõ: Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương.
Đọc lại 10 câu thơ nói về lẽ ghét thì người đọc sẽ thấy căn nguyên, gốc rễ của cái ghét ở đây là lòng thương dân. Nghệ thuật điệp từ kết hợp bố cục chặt chẽ, mạch lạc ở đoạn thơ này là một nét đặc trưng thơ trữ tình Nguyễn Đình Chiểu.
Câu 4: Địa danh nào còn thiếu trong câu thơ sau, trích trong bài "Chạy giặc" của Nguyễn Đình Chiểu?
(...) của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây