Cách làm bún truyền thống là phải ngâm gạo 48-72 giờ, sau đó xay gạo và tách nước. Hỗn hợp bột còn lại được đưa vào máy ép, kéo sợi và cho vào một nồi nước nóng đun sôi để bún dai, không bị nhão.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, nói rằng cách làm này cầu kỳ, mất thời gian lại khiến bún có mùi chua, dễ nát, dễ hỏng. Hiện nay, người làm bún sản xuất bằng máy móc, nhiều nơi cho thêm chất bảo quản, chất làm sáng màu. Nhiều mẫu kiểm tra cho thấy bún chứa huỳnh quang (tinopal) và hàn the. Tinopal có tác dụng làm sợi bún trong, bóng hơn, hàn the để sợi giòn, dai.
"Ăn phải bún chứa các hóa chất này sẽ có nguy cơ mắc bệnh về gan, thận, thậm chí ung thư", tiến sĩ Thịnh nói.
Bởi vậy, trẻ nhỏ thường xuyên ăn bún sẽ ảnh hưởng tới đường tiêu hóa chưa hoàn thiện. Tốt nhất không nên cho trẻ ăn bún quá sớm, hoặc hạn chế món này. Phụ nữ sau sinh cũng được khuyên không nên ăn bún. Lý do là bún được làm từ gạo ngâm nở chua, các hóa chất đi kèm được người sản xuất sử dụng để chế biến sẽ ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa của cơ thể người mẹ và bé.
Người bị viêm dạ dày hoặc hội chứng dạ dày tá tràng không nên ăn bún, do bún được làm từ bột gạo, ngâm với nước trước khi làm khoảng một ngày để bột nở ra. Trong thời gian này xảy ra quá trình lên men của tinh bột, vì thế khi ăn dễ bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, hại dạ dày.
Người bị ốm, sốt nên ăn những món ăn nhẹ như cháo đỗ xanh, cháo thịt, soup để giảm gánh nặng cho đường tiêu hóa. Hạn chế ăn bún vì lúc này cơ thể đang yếu, rất dễ bị lạnh bụng, khó tiêu và đi ngoài.
Bún hay phở đều là món nước rất dễ ăn, do đó nhiều người thường không nhai kỹ. Đây là một trong những sai lầm phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Không nên ăn bún quá trắng, dai, trong vì có thể thành phần có hóa chất. Một tuần chỉ nên ăn một bữa bún đổi khẩu vị.
Thúy Quỳnh