Theo Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam dùng trong nhà trường, 1936 là năm chói lọi nhất trong sự nghiệp của Vũ Trọng Phụng với các kiệt tác: tiểu thuyết Giông tố, tiểu thuyết Số đỏ và phóng sự Cơm thầy cơm cô.
Số đỏ đăng ở Hà Nội báo từ số 40 ngày 7/10/1936 và được in thành sách lần đầu vào năm 1938. Nhiều nhân vật và câu nói trong tác phẩm đã đi vào cuộc sống đời thường. Tác phẩm nhiều lần được dựng thành kịch, phim.
Nhân vật chính của Số đỏ là Xuân - biệt danh là Xuân Tóc Đỏ, từ chỗ bị xem là hạ lưu, bỗng nhảy lên tầng lớp danh giá của xã hội nhờ trào lưu Âu hóa của giới tiểu tư sản Hà Nội khi đó.

Tạo hình nhân vật Xuân Tóc Đỏ trong bộ phim "Số đỏ".
Xuân vốn là đứa bé mồ côi, lên chín tuổi được ông bác họ nuôi, do hư đốn nên bị đuổi. Xuân lấy đầu hè xó chợ làm nhà, lấy sấu ở các phố, lấy cá hồ Hoàn Kiếm làm cơm. Tóc hắn đỏ như lông gà vì phơi nắng, trèo me, trèo sấu nên người ta gọi là Xuân Tóc Đỏ.
Lang thang kiếm sống với nhiều nghề phức tạp, Xuân Tóc Đỏ trong một hoàn cảnh đặc biệt được nhập vào môi trường của những kẻ giàu có, những con người đang ôm ấp mộng Âu hóa và cải cách xã hội như bà Phó Đoan, ông bà Văn Minh.
Hội nhập với xã hội thượng lưu, Xuân Tóc Đỏ gặp nhiều vận may và với bản tính láu cá, hắn nhanh chóng tạo cho mình một chỗ đứng trong gia đình ông bà Văn Minh. Tính cách lưu manh của Xuân cứ phát triển trong môi trường thuận lợi đó. Anh ta biết cách luồn lách, dùng mưu mẹo thủ đoạn để làm lợi cho mình.
Từ điển văn học (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, tập 2, năm 1984) đánh giá, bằng ngòi bút trào phúng độc đáo, Số đỏ lên án gay gắt xã hội tư sản thành thị Việt Nam đang chạy theo lối sống văn minh rởm lố lăng đương thời. Tác giả đả kích cay độc các phong trào "Âu hóa", "thể thao", "giải phóng nữ quyền" đang phát triển rầm rộ khi ấy, nhân danh "văn minh", "tiến bộ", "cải cách xã hội" mà thực chất chỉ là ăn chơi trụy lạc, làm tiền, chà đạp đạo đức truyền thống.
Câu 4: Nhan đề của một chương thuộc "Số đỏ", kể về đám tang của cụ cố tổ tên là gì?