Cuối tuần, trong không khí mùa xuân vẫn còn, tôi quyết định "liều" một phen, đặt vé đi xem phim điện ảnh Việt. Giá vé 130 nghìn, không phải rẻ, nhưng tôi nghĩ: Thôi thì ủng hộ phim trong nước, biết đâu lại có bất ngờ thú vị.
Nhưng đời không như là mơ, phim cũng không như lời khen. Xem được 15 phút, tôi ngao ngán rời ghế, ra về. Nội dung nhạt nhẽo, diễn xuất của diễn viên chính gượng gạo.
Đến đây, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra mình đã dính bẫy seeding, cái bẫy đánh vào lòng tin khán giả bằng những bài review tâng bốc trên mạng xã hội.
Thảo nào cả tuần qua, tôi đã thấy nhan nhản các fanpage, tài khoản cá nhân khen phim này nức nở. Nhiều khán giả đã xem cũng chung cảm nhận như tôi. Ai sẽ trả tôi 130 nghìn tiền vé đây?
Điện ảnh, trước hết phải là nghệ thuật, nhưng với một số người, nó dường như chỉ là công cụ kiếm tiền.
Công thức làm phim bây giờ chẳng lẽ đơn giản như vầy: viết đại một kịch bản, gom vài hotboy, người mẫu, hoa hậu vào diễn, rồi tung tiền seeding? Cứ thế, phim ra rạp hốt bạc, bất chấp chất lượng. Mà đáng buồn hơn, khán giả vẫn bị cuốn theo trò chơi này hết lần này đến lần khác.
Chúng ta có thể trách ai đây? Trách những nhà làm phim dễ dãi, chỉ chăm chăm lợi nhuận mà bỏ qua giá trị nghệ thuật? Hay trách những nhà phê bình phim "chân chính" nhưng im lặng, nhường chỗ cho đội quân seeding tung hoành? Hay chính khán giả cũng quá dễ dãi, chấp nhận bị lừa hết lần này đến lần khác?
Mà hễ khán giả nhận xét phim, có hơi chê một xíu, là các nhà làm phim "nhảy dựng" lên. Vậy sau này, các nhà làm phim của chúng ta có tự tin bảo rằng "nếu cảm thấy phim dở, 15 phút đầu mà không giữ được chân khán giả ở rạp, thì chúng tôi xin trả lại tiền vé", khán giả mất thời gian, như vậy sẽ bảo chứng phim mình làm hơn là "phim cũng không đến nỗi tệ".
Mạnh Quang