"Có một vài lý do tăng giá phòng trọ hợp lý như sau:
- Chủ nhà đầu tư thêm nội thất, sửa sang lại phòng cho đẹp. Lý do này chỉ nên tăng ở mức nhẹ và tăng một lần duy nhất.
- Phòng ở vị trí quá thuận tiện, ngay mặt ngõ hoặc đường rộng. Nếu ở ngõ thì càng gần đầu ngõ càng có giá. Với lý do này thì nó sẽ tăng theo giá nhà, tùy tấm lòng của chủ nhà, có thể tăng ít hay nhiều và tăng sau mỗi một hay vài ba năm. Nhưng cũng có cái giới hạn của nó.
Ngoài hai trường hợp trên thì không có lý do gì mà tăng giá cả. Đặc biệt là mấy khu trọ sâu mãi trong ngõ nhỏ, vừa bất tiện mà nhiều nguy cơ rình rập. Người thuê trọ trong những khu như vậy đã đủ khổ rồi, và đa số là thu nhập không cao, hoặc có kha khá tí thì cũng không thấm vào đâu với các khoản phải chi ra, để tiết kiệm mua nhà...".
Độc giả Q.N nêu như trên, chỉ ra hai lý do thông thường khiến giá phòng thuê trọ tăng, sau bài viết Giá thuê phòng trọ ngày càng đắt đỏ. Theo đó, ghi nhận của VnExpress cho thấy từ đầu năm đến nay, nhiều chủ nhà tăng giá phòng thuê trọ 10-15%, tập trung ở quận trung tâm như Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân...
Đà tăng giá thuê phòng trọ, chung cư mini gần gấp đôi tăng trưởng thu nhập của người dân thành thị theo năm.
Thế nhưng, độc giả duongduchien lại nghĩ khác về nguyên nhân giá thuê phòng ngày càng đắt:
"Mọi người cứ nghĩ là dân tỉnh đổ xô về Hà Nội đông hơn nên giá nhà cho thuê tăng cao. Nhưng cái mà khiến giá phòng tăng cao là do làn sóng các công ty thầu và cho thuê lại.
Thuê chủ nhà phòng hai triệu đồng rồi sắm tủ lạnh, điều hòa, giường tủ... giá rẻ nâng cấp nó lên thành chung cư mini rồi cho thuê với giá 3,5 triệu đồng (chưa tính phí dịch vụ thang máy, vệ sinh...) thì thử hỏi tại sao lại không tăng giá phòng.
Đây là mảnh đất màu mỡ của các công ty thầu và cho thuê lại với giá cắt cổ. Mà chế tài quản lý giá thuê ở Việt Nam chưa có chế tài cụ thể nên cũng rất khó. Khó và khổ cho người lao động thôi".
Cùng chung nhận định, độc giả vantuyen1984 chỉ ra:
"Bây giờ, xu hướng thị trường cho thuê phòng trọ là bên chủ nhà xây xong hoặc sửa xong (bên A) cho bên B thuê toàn bộ, ký hợp đồng từ một đến vài năm. Như vậy người thuê phòng riêng lẻ là bên C.
Giá chênh lệch thuê giữa A và B dành cho bên C ít nhất khoảng một triệu đồng. Càng trung tâm càng đắt. Đây là xu hướng chung ở Hà Nội hiện nay. Khi giá cả tăng, lương theo lương tối thiểu vùng thì tiền nhận được chỉ bù vào trượt giá của nhu yếu phẩm".
Độc giả roktf11 lấy ví dụ:
"Có một sự thật mà không phải ai cũng biết, giá thuê phòng ở Hà Nội có mặt bằng chung đang cao nguyên do một phần cũng vì những người hành nghề thuê nguyên nhà đăng bài cho thuê riêng từng phòng.
Nói nôm na là trung gian, họ bỏ một số tiền lớn thuê cả nhà và trong thời gian dài và để bù lại khoản tiền đó, họ cho thuê theo phòng với tổng giá trị cao hơn giá trị cho thuê nhà (thường là như vậy).
Ví dụ một căn nhà họ thuê từ chính chủ 15 triệu đồng một tháng. Nhà có tám phòng thì chia tiền vốn mỗi phòng là tầm 1,8 triệu đồng. Họ sẽ cho sinh viên và người thu nhập thấp thuê lại với giá từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng, chưa tính điện nước, phí dịch vụ, gửi xe...
Kéo theo đó, những người hàng xóm xung quanh, thấy nhà này tăng giá như vậy, cũng đột ngột tăng theo với lý do: "Giá chung, bây giờ nó thế'".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.