"Vì vậy, thật tự nhiên khi cho rằng hoặc là tranh giành quyền lực sẽ xảy ra, hoặc sự đoàn kết sẽ mất đi", bà Ashrawi nói.
Giới phân tích nhận định, phải mất vài năm nữa mới có một nhà lãnh đạo nổi lên, tác động đến đến viễn cảnh thoả thuận hoà bình Israel - Palestine. "Chừng nào đụng độ còn tiếp diễn, thì không ai có thể ra quyết định, đặc biệt là những quyết định ôn hoà hay thoả hiệp", Barry Rubin, người Do Thái viết tiểu sử Arafat, dự đoán. "Điều đó có nghĩa cơ hội về một nền hoà bình thông qua đàm phán đang gần con số 0".
Nếu ông Arafat không thể tiếp tục lãnh đạo Palestine, thì chính trường khu vực cũng thay đổi. Mỹ và Israel, rồi Anh, hiện không hợp tác với vị chủ tịch với lý do ông không đáng tin cậy - không kiên quyết chống khủng bố và phản đối cải cách. Vì vậy, những nước này đang hy vọng một Trung Đông hậu Arafat sẽ có lợi cho hoà bình hơn.
Người kế nhiệm có thể xuất thân từ thế hệ chính trị gia mới, hoặc những người Palestine cùng thời với ông Arafat đến Bờ Tây và Gaza sau cuộc sống lưu vong ở Tunis cách đây 10 năm. Cũng có thể người này thuộc thế hệ được nuôi dưỡng ở Bờ Tây, Gaza rồi lãnh đạo phong trào nổi dậy đầu tiên năm 1987 và tham gia hoặc đứng đầu phong trào thứ hai bắt đầu từ tháng 9/2000.
Do vậy, người kế nhiệm có thể là một nhân vật như thủ tướng hoặc bộ trưởng tài chính đương nhiệm, hay một trong các tướng lĩnh, như Jibril Rajoub hoặc Mohammed Dahlan, hay Marwan Barghouti, hiện đang ngồi trong nhà tù Israel.
Tuy nhiên, việc kế nhiệm không thể đơn giản đến vậy.
Ngay cả như hiện nay, khi Arafat còn đang lãnh đạo, lộn xộn đã xảy ra ở hầu khắp Bờ Tây và Dải Gaza. Du kích thường xuyên trưng dụng các văn phòng chính phủ hoặc giữ nhân viên chính phủ làm con tin để đòi việc làm hoặc nhà ở. Trong những tháng gần đây, những người trung thành với cựu bộ trưởng an ninh Palestine Mohammed Dahlan, nhân vật có tham vọng trở thành tổng thống, đã đụng độ với lực lượng ủng hộ một nhà lãnh đạo an ninh khác, Moussa Arafat - cháu trai ông Arafat.
Không có sự hiện diện của nhà lãnh đạo Palestine, kình địch chính trị có thể sẽ bùng nổ. Trong phong trào Fatah, những người cùng thời với Arafat trở về với ông sau khi sống lưu vong vào thập kỷ 1990 đang cố gắng giảm ảnh hưởng các nhà hoạt động trẻ hơn tại Bờ Tây, lực lượng chống Israel trong hai cuộc nổi dậy và giờ yêu cầu được trao phần thưởng là quyền lực chính trị.
Fatah còn vấp phải sự cạnh tranh từ du kích Hamas, nhóm hy vọng lợi dụng sự tức giận của dân chúng với chính quyền tham nhũng trong các cuộc bầu cử địa phương dự kiến diễn ra vào tháng 12.
Các nhóm bên ngoài tổ chức Fatah của ông Arafat có thể cũng muốn có vai trò lãnh đạo, chứ không chỉ tổ chức du kích Hồi giáo Hamas hiện đang chiếm ưu thế ở Gaza.
Trong khi đó, trên giấy tờ, ít nhất con đường kế nhiệm cũng đã được lập ra. Chủ tịch nghị viện sẽ thay thế ông Arafat làm Chủ tịch chính quyền Palestine trong 60 ngày, cho tới khi bầu cử được tổ chức. Tuy nhiên, chủ tịch cơ quan lập pháp hiện nay, Rauhi Fattouh, là một nhân vật ôn hoà, khó có khả năng nắm vai trò trong giai đoạn chuyển tiếp và các cuộc bầu cử đúng thời hạn có vẻ khó xảy ra.
Ghế Chủ tịch Phong trào Giải phóng Palestine (PLO) sẽ được tiếp quản, ít nhất là tạm thời, bởi cấp phó Mahmoud Abbas, cựu thủ tướng từ chức hồi năm ngoái.
Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận, nhân vật Palestine thứ hai nổi tiếng sau Arafat là Marwan Barghouti, thủ lĩnh phong trào Fatah. Tuy nhiên, Barghouti đang chịu án 5 năm tù trong nhà tù Israel vì tham gia các vụ tấn công nhằm vào người Do Thái. Không có gì đảm bảo rằng nhân vật vốn ủng hộ giải pháp 2 nhà nước này sẽ được ân xá, ngay cả khi điều đó mang lại lợi ích cho Israel. Theo thăm dò dư luận của ĐH Bir Zeit, Bờ Tây, ông này có thể dễ dàng đánh bại một ứng viên Hamas trong cuộc bầu cử tổng thống.
Arafat tỏ ý nghi ngờ về kế hoạch rút khỏi Gaza của Sharon, rằng người Do Thái sẽ giữ Gaza là một nhà tù mở và Israel vẫn có ý định mở rộng vòng kiềm toả với Bờ Tây. Một người kế nhiệm có thể cũng có quan điểm đó, nhưng có thể có xu hướng chấp nhận những gì được đề xuất và cố gắng khai thác, điều mà nhà lãnh đạo Palestine không muốn làm.
Trong khi đó, ông Arafat cho tới nay chưa chỉ định người kế nhiệm vì lo ngại sự mất kiên nhẫn của nhân vật này sẽ dẫn tới cuộc lật đổ.
Những ngày hoàng kim của Chủ tịch Palestine là khi ông đóng vai trò lãnh đạo phong trào giải phóng Palestine. Ông không thành công lắm khi làm nhà quản lý Bờ Tây và Dải Gaza sau hiệp định Oslo với Israel. Chính quyền Palestine bị chỉ trích là tham nhũng và mất nhiều sự ủng hộ của dân chúng.
Tuy nhiên, cho tới nay, Arafat vẫn là vị chủ tịch được tôn trọng nhất, và ông có thể dễ dàng chiến thắng trong các cuộc bầu cử tổng thống. Nhiều người Palestine thất vọng với quyền lực của nhà lãnh đạo này, nhưng vẫn coi ông là người đảm bảo đoàn kết và biểu tượng của giấc mơ nhà nước. Về phần mình, các chính trị gia Palestine không bao giờ bàn về nhà lãnh đạo tiếp theo vì hành động đó sẽ bị coi là phản bội người Palestine và đầu hàng Thủ tướng Israel Ariel Sharon.
Nguyễn Hạnh (theo Guardian, CBS, BBC)