Ung thư phổi là một trong 3 ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở toàn cầu. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ hai sau ung thư gan, ước tính mỗi năm có khoảng 23.000 ca mới, gần 21.000 trường hợp tử vong và con số này không ngừng tăng lên.
Ngày 15/10, PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K, cho biết hàng nghìn bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi mỗi năm tại bệnh viện này. Tuy nhiên, tại thời điểm chẩn đoán, trên 70% ca bệnh đã tiến triển hoặc di căn xa không có chỉ định điều trị triệt căn.
"Biểu hiện của ung thư phổi thường không rõ ràng ở giai đoạn đầu như ho, khàn tiếng, thở khò khè..., dễ khiến cho người bệnh chủ quan nghĩ rằng là triệu chứng bệnh hô hấp", bác sĩ Bình nói.
Ngày nay, y học phát triển, bệnh nhân ung thư phổi ngày càng được phát hiện sớm hơn, tuy nhiên chỉ khoảng 30% bệnh nhân ung thư phổi đến viện ở giai đoạn có khả năng phẫu thuật. Phẫu thuật luôn đóng vai trò quan trọng mang tính triệt căn trong điều trị ung thư phổi. Vì vậy việc phát hiện sớm ung thư phổi khi chưa có triệu chứng rất quan trọng.
Dấu hiệu của ung thư phổi là ho dai dẳng, đau tức ngực, khàn tiếng không hồi phục, ho ra máu, thở khò khè, khó thở, giảm cân không rõ nguyên nhân, đau đầu, đau mỏi cơ...
Tầm soát là cách để phát hiện sự hiện diện ung thư phổi ở người khỏe mạnh có nguy cơ cao mắc bệnh. Phương pháp là chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp (Low-dose CT scan) để truy tìm khối u. Ung thư phổi được phát hiện càng sớm, khả năng điều trị khỏi càng cao.
Nhóm cần được sàng lọc ung thư phổi định kỳ là người có tiền sử hút thuốc lá, đặc biệt từ 20 năm trở lên; người trên 50 tuổi và từng có thời gian hút thuốc (trên 10 năm); người hút thuốc trên 20 bao/năm; người đang hút thuốc hoặc mới bỏ trong vòng 15 năm.
Người từ 50 đến 80 tuổi; người từng mắc ung thư phổi và đã điều trị được từ 5 năm trở lên; gia đình có người bị ung thư (ung thư phổi hoặc ung thư nào khác), khởi phát trước tuổi 60, nên tầm soát.
Người làm nghề nghiệp liên quan đến bụi phổi, khói (khói nấu ăn, khói thuốc, nhang, amiăng), phóng xạ; người mắc ung thư khác hoặc mắc các bệnh phổi mãn tính (COPD, lao phổi); bệnh nhân có nhu cầu tầm soát.
Người hút thuốc lá thụ động (người thân, vợ chồng, con cái của người hút thuốc lá) cũng cần đi sàng lọc ung thư phổi.
Bác sĩ khuyên sàng lọc bệnh mỗi năm một lần. Ngừng sàng lọc khi người có nguy cơ đã hơn 80 tuổi, ngừng hút thuốc trên 15 năm và đã sàng lọc nhiều lần trong quãng thời gian đó nhưng không phát hiện bệnh, hoặc có các vấn đề sức khỏe làm hạn chế tuổi thọ, hạn chế khả năng phẫu thuật phổi (ví dụ bệnh tim mạch nặng, suy thận nặng...).
Lê Nga