Nói là thở phào vì Vỹ nhận thấy chương trình nghiêm túc và bổ ích, trẻ được an toàn. Khi đăng ký cho con, Vỹ đã cố gắng tìm hiểu đơn vị tổ chức cũng như nội dung chương trình. Nhưng cậu vẫn canh cánh vì không ít hoạt động cho thanh thiếu nhi, nhất là vào dịp hè, được quảng cáo hoành tráng nhưng diễn ra rất sơ sài, vừa không bảo đảm tính giáo dục vừa không bảo đảm an toàn.
Trong khi con trai đang ở trại hè, Vỹ hay tin một khóa tu cho trẻ tại chùa Cự Đà, Hà Nội bị cơ quan chức năng yêu cầu dừng lại vì thiếu sự quản lý, dẫn đến tình trạng bạo lực giữa các trẻ. Vì thế tôi hiểu nỗi nhấp nhổm và cái thở phào của Vỹ.
Hơn 30 năm trước, mỗi dịp hè, lũ bạn tôi đứa nọ đứa kia về quê chơi. Nhà tôi ông bà mất sớm, không có chốn để về, lòng tôi có chút ghen tỵ khi thấy chúng sẽ có thêm nhiều bạn chơi cùng. Nhưng mùa hè của tôi vẫn được vớt vát chút xíu khi mỗi cuối chiều trời mát được cha mẹ cho ra bắn bi hay đá cầu với những đứa trẻ cùng cảnh ngộ.
Bây giờ, ở các thành phố lớn, ngày càng nhiều gia đình trẻ chỉ có hai vợ chồng sống cùng các con đang độ tuổi đi học. "Ai chơi với trẻ con ngày hè?" trở thành câu hỏi lớn cho các gia đình. Trong điều kiện bình thường, mỗi lao động được nghỉ 12 ngày phép một năm. Giả sử hai cha mẹ không nghỉ cùng nhau và mỗi người chỉ dành hai ngày mỗi năm cho các công việc khác của gia đình, họ có 20 ngày để chơi cùng con vào mùa hè - kéo dài ít nhất hai tháng. Vậy ai sẽ chơi cùng con trong năm tuần hè còn lại? Không ít gia đình chọn giải pháp ôn tập hè nguyên ngày tại nhà giáo viên hay gia sư như một hình thức kết hợp học tập và trông trẻ. Nhu cầu này có sự phân hóa khá cao tùy theo điều kiện (thu nhập, trình độ) của mỗi gia đình.
Giá ôn tập hè tại nhà riêng của giáo viên hay gia sư dao động khoảng vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng mỗi tháng, tùy vào độ tuổi và thời gian chăm sóc, học hành. Các trại hè bảy ngày có giá dao động 6 đến 10 triệu đồng. Những chương trình hè quốc tế có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Các gia đình tự bơi trong biển giá của loạt dịch vụ hè cho con trẻ và không phải phụ huynh nào cũng đủ điều kiện tài chính.
Trong khi đó, các chương trình sinh hoạt hè do chính quyền tổ chức như hàng chục năm trước đây hiện không phổ biến và dường như cũng không đáp ứng được nhu cầu của trẻ.
Do công việc của bố mẹ, các con tôi đã rời Việt Nam, chuyển nhà qua khá nhiều vùng của nước Pháp. Chính quyền địa phương ở Pháp thường phụ trách việc tổ chức hoạt động cho trẻ vào mỗi kỳ nghỉ dài. Các hoạt động này theo tiêu chuẩn quy định của nhà nước và được sử dụng ở các cơ sở trường học công lập do chính quyền địa phương quản lý. Ngoài bữa ăn của trẻ với giá như bữa ăn tại trường công lập, các chi phí khác hầu như không đáng kể. Song song đó, thị trường tự do cho phép cha mẹ lựa chọn các hoạt động sinh hoạt hè khác nhau mà mỗi một hoạt động đều phải tuân thủ các quy chuẩn và sự giám sát của cơ quan nhà nước chuyên trách.
Tại Việt Nam, thị trường đã đi rất nhanh và rất xa so với quản lý nhà nước. Các hoạt động sinh hoạt hè được tổ chức khắp nơi với đủ loại chất lượng và chi phí. Nhà nước chỉ can thiệp khi có phản ánh tiêu cực. Chúng ta thiếu quy định ngay từ đầu và thiếu hoạt động giám sát định kỳ cho loại hình sinh hoạt thanh thiếu nhi.
Chính quyền địa phương cấp quận huyện ở đâu cũng có phòng giáo dục và các trung tâm sinh hoạt văn hóa. Cuối mỗi năm học nào, con trai anh Vỹ cũng nhận được giấy chuyển sinh hoạt hè của nhà trường cho địa phương. Đầu năm học mới, anh lại ra phường lấy giấy xác nhận cho con, dù cậu bé không thực sự tham gia hoạt động nào. Có năm, cậu đi sinh hoạt được vài ngày rồi kiên quyết ở nhà. Thủ thỉ trò chuyện với con, Vỹ mới hay, thằng bé chê các hoạt động kém hấp dẫn, chủ yếu múa hát tập thể, ngâm thơ "dành cho bọn con gái, không có gì vui".
Không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con về quê hoặc tham gia trại hè, nhưng mọi trẻ em đều cần được chăm lo và giáo dục, kể cả trong kỳ nghỉ. Trong khi tôi nhìn thấy, hè là cả một cơ hội cho những tổ chức như Hội bảo vệ quyền trẻ em, Đoàn thanh thiếu niên thể hiện vai trò của mình bằng những chương trình sáng tạo, dài ngày cho trẻ, chứ không chỉ dăm bảy ngày sinh hoạt ngắn ngủi với các hoạt động nhàm chán, lặp lại.
Sau khi thở phào vì con trở về vui vẻ từ khóa học phòng cháy chữa cháy, Vỹ lại đối diện nỗi lo, con sẽ phải làm bạn với máy tính, điện thoại trong căn hộ 60 m2, ít nhất cho tới khi trường học mở lại vào đầu tháng 8.
Võ Nhật Vinh