Những ngày gần đây, dư luận rất bức xúc vì nguồn nước sinh hoạt do công ty nước sạch Sông Đà cấp cho các quận phía tây Hà Nội bị ô nhiễm do cư dân phát hiện mùi hôi trong nồng nặc trong nước. Họ đã không dám và không thể tiếp tục sử dụng nguồn nước này để phục vụ sinh hoạt. Nguyên nhân thì đã rõ nhưng vấn đề nằm ở phản ứng của dư luận và các bên liên quan tới vấn đề này.
Thứ nhất là người dân. Họ là khách hàng mua nước và sử dụng dịch vụ của công ty cấp nước. Họ đã lên tiếng, đã phản ánh nhưng họ không biết và không thể làm gì khác ngoài việc mua nước bình về để thay thế cho nguồn nước đã bị ô nhiễm. Họ là khách hàng với vai trò trung tâm và ở vị thế cao nhất trong nền kinh tế thị trường. Nhưng trong trường hợp này thì họ chỉ đóng vai trò là nạn nhân vì họ không thể và không có bất kỳ lựa chọn nào khác.
Thứ hai là Công Ty Nước Sạch Sông Đà. Với rất nhiều tai tiếng sau 21 lần vỡ đường ống nước nhưng thông tin mới nhất mà tôi đọc được là họ hiện tại đang làm ăn rất tốt với mức tăng trưởng lợi nhuận cao. Con số mà khi nghe người ta có cảm giác là họ đang trục lợi từ khách hàng chứ không phải là một công ty cung cấp dịch vụ công.
Với mức lợi nhuận cao thì đội ngũ lãnh đạo cũng được trả thù lao rất cao, nếu thực sự họ làm tốt vai trò của mình thì họ nhận được lợi nhuận cao và thù lao cao cho người lao động cũng là tương xứng. Nhưng những gì họ thể hiện sau nhiều lần vỡ ống nước và đặc biệt là sự cố ô nhiễm nguồn nước thời gian này là không thể chấp nhận được.
Họ đang cung cấp một loại dịch vụ đặc biệt có liên quan và trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và tín mạng của hàng triệu khách hàng nhưng họ đã không có biện pháp thích hợp để kiểm soát chất lượng nhằm đảm bảo nguồn nước sạch và đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Tại sao lại không có phương tiện hay biện pháp gì để bảo vệ nguồn nước nguyên liệu cấp cho nhà máy?
Tại sao xe tải có thể đổ dầu xuống kênh dẫn nước nguyên liệu? Tại sao khi nguồn nước nguyên liệu bị nhiễm dầu bẩn mà họ không kịp thời phát hiện hay đã phát hiện nhưng vẫn cố tình sử dụng để cung cấp cho khách hàng? Tại sao một nhà máy có quy mô như vậy, đang làm ăn rất tốt lại không có các thiết bị kiểm soát để kiểm soát đầu vào và đảm bảo đầu ra an toàn trước khi cung cấp cho khách hàng? Nếu sự cố lần này không phải là dầu thải mà là thuốc trừ sâu thì sẽ có bao nhiêu nạn nhân và hậu quả sẽ ra sao?
Nếu Công Ty Nước Sạch Sông Đà vẫn giữ nguyên phương thức làm việc như hiện tại thì điều này hoàn toàn có thể xảy ra và hậu quả sẽ vô cùng khó lường. Điều đáng lo ngại nhất là thái độ của lãnh đạo công ty. Khi người dân phản ánh về chất lượng nguồn nước thì họ thông báo rằng nước vẫn đảm bảo tiêu chuẩn, đến khi đã xác minh là nước bị nhiễm dầu bẩn thì họ vẫn cho rằng nước vẫn đảm bảo an toàn thay vì nhận lỗi và đưa ra biện pháp khắc phục kịp thời. Lỗi này xuất phát từ xe tải đổ trộm dầu nhưng trách nhiệm thuộc về công ty xử lý nước. Họ phải kiểm soát được đầu vào và phải đảm bảo an toàn ở đầu ra và phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của họ với vai trò là người cung cấp hàng hóa và dịch vụ.
Thứ ba là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước. Họ đã phản ứng thế nào khi có phản ánh của người dân? Họ làm gì khi công ty nước sạch nói rằng nước vẫn đảm bảo an toàn? Tiêu chuẩn nào và cơ chế nào để kiểm soát các nhà cung cấp dịch vụ cho người dân? Tôi xin phép không hỏi thêm nhưng những gì mà họ thể hiện thì thực sự chưa đáp ứng được sự mong đợi của người dân.
Chỉ có cơ quan nhà nước mới có quyển quản lý và can thiệp được vào hoạt động của công ty cung cấp dịch vụ công nhưng không biết vì sao mà họ vẫn để một công ty cung cấp dịch vụ thiết yếu với năng lực yếu kém, thiếu trách nhiệm với khách hàng sau bao năm vẫn tồn tại? Hàng triệu khách hàng vẫn phải sử dụng sản phẩm do họ cung cấp phải mạo hiểm sức khỏe của họ khi mở vòi nước trong nhà mình.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.