Phát biểu của đại diện Công ty nước sạch sông Đà, cho rằng "Viwasupco nói là nạn nhân lớn nhất" trong sự cố đang khiến nhiều độc giả VnExpress bức xúc:
Thiệt hại của công ty nước sạch sông Đà là thiệt hại về kinh tế và khía cạnh nào đó của xã hội. Nhà máy có thể rất khó khăn nhưng không có nghĩa không thể đầu tư xây dựng lại, kinh tế có thể khôi phục lại. Nhưng tính mạng, sức khỏe của những con người đã bị nguồn nước bẩn làm ảnh hưởng thì rất khó khôi phục về trạng thái ban đầu và không thể "xây dựng, đầu tư" làm lại được.
Là người sử dụng dịch vụ, khách hàng hoàn toàn có thể kiện nhà cung cấp nếu hàng hóa không đảm bảo chất lượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Là đơn vị cung cấp thì công ty phải đảm bảo sản phẩm của mình tốt. Việc bị các hóa chất trộn vào sản phẩm của mình, dù bằng cách nào đi nữa, cũng không thể viện cớ. Anh phải chịu trách nhiệm từ nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm đầu ra. Anh có thể bị thua lỗ nhưng trách nhiệm vẫn thuộc về anh.
Về bản chất, người dân mới là người thiệt hại. Công ty thiệt hại về danh nghĩa. Thứ nhất, do công ty không phải là công ty tư nhân mà là công ty vốn Nhà nước. Mà vốn (tiền) của Nhà nước thực chất được tạo ra chủ yếu từ 2 nguồn: hoặc là từ tiền thuế người dân trực tiếp/ gián tiếp đóng góp vào, hoặc từ nguồn tiền của Ngân hàng nhà nước mà về thực chất số tiền này in ra là nhằm đo lường hóa, cân bằng hóa, phương tiện hóa (làm phương tiện trao đổi, mua bán phổ thông) giá trị hàng hóa, của cải, vật chất được tạo ra từ hoạt động kinh tế từ các thành phần kinh tế (chủ yếu là từ người dân).
Do vậy, xét cả hai phương diện, kinh tế lẫn sức khỏe, về bản chất cuối cùng người dân vẫn là người chịu thiệt hại. Công ty, xét về bản chất và tổng thể, chỉ là đại diện, thực thể, hình thái sử dụng vốn của dân để kinh doanh. Việc họ cho rằng họ mới là người thiệt hại nhất là sai lầm.
Các anh là nạn nhân lớn nhất nếu như chính các anh phát hiện ra nước không đảm bảo chất lượng, thông báo cho khách hàng và dừng việc cấp nước ngay. Nhưng các anh không làm điều này. Đến khi khách hàng phản ánh thì các anh vẫn khẳng định làm đúng quy trình, nước đảm bảo chất lượng. Chỉ đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc thì các anh mới thừa nhận do nước thô nhiễm bẩn dầu thải. Vậy thì các anh đâu phải nạn nhân?
Viwasupco có thể bị thiệt hại rất lớn và cũng là nạn nhân trong vụ này, nhưng với tư cách nhà cung cấp nước sạch. không thể chối bỏ trách nhiệm. Liệu tai nạn ô nhiễm nguồn nước cấp cho dân có xảy ra trên diện rộng không nếu như quý vị đã thực hiện đầy đủ quy trình quản lý - điều hành hoạt động lọc - cấp nước?
Hàng trăm nghìn người dân thì sao? Họ không phải là nạn nhân ư? Là doanh nghiệp, các vị phải lường trước được những tình huống này có thể xảy ra mà ngăn chặn chứ? Tôi lấy ví dụ các bể chứ nước cần chia làm 3 bể khác nhau: nước bể 1 chứa nước đã qua xử lý đã đảm bảo an toàn và cung cấp cho dân; bể 2 cũng vậy nhưng khi nào bể 1 gần hết thì bơm từ bể 2 vào; bể 3 là bể chứa nước vừa xử lý. Nếu giả sử có sự cố xảy ra thì bể 3 sẽ bị nhiễm ngay lúc đấy, chỉ cần không bơm nước vào bể 2 là ngăn chặn được thảm hoạ thôi. Đây mới chỉ là xăng dầu, nếu nó là hàng tấn thuốc sâu thì sao?
Lãnh đạo công ty nước sạch Sông Đà trả lời vô trách nhiệm. Thứ nhất: Nước sạch sông Đà bán nước cho người dân thì đương nhiên phải có trách nhiệm với chất lượng hàng hoá mà mình bán ra. Các vị không kiểm soát được là do lỗi bên công ty và các vị phải chịu trách nhiệm về việc bán hàng không đảm bảo chất lượng.
Thứ hai, nước là hàng hoá đặc biệt, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Việc không kiểm soát được chất lượng nước đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khoẻ của hàng trăm nghìn hộ dân, làm đảo lộn sinh hoạt của hàng triệu người dân, làm hoang mang dư luận, gây ra thiệt hại về kinh tế của nhân dân... Vậy mà các vị không nhận thức rõ trách nhiệm của mình để xin lỗi người dân, còn trả lời như hờn dỗi rằng các vị thiệt hại nhất.
Tôi đề nghị các cơ quan chức năng điều tra thêm về trách nhiệm nước sạch sông Đà khi cung cấp nước bẩn cho người dân, gây ảnh hưởng sức khoẻ, cuộc sống và thiệt hại kinh tế cho người dân trong thời gian qua.
Các vị phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình bán ra: đó là nước sạch. Lỗi kiểm soát chất lượng đầu ra: không kiểm tra nước trước khi bán (cung cấp ) cho người dùng. Lỗi này được phát hiện bởi người dân do mùi, nhưng nếu đó là chất độc mà không gây mùi thì mức độ nghiêm trọng sẽ như thế nào? Tại sao người dân phát hiện mà lãnh đạo nhà máy còn phát biểu nước vẫn an toàn và chỉ là mùi clo nhiều hơn bình thường?
Cần kiểm soát nước trước khi cấp cho dân vì 250.000 hộ thì mức độ là rất nghiêm trọng. Lỗi trách nhiệm trước tiên thuộc về nhà máy và cần có trách nhiệm với người tiêu dùng (không kiểm soát và khắc phục kịp thời). Còn chuyện bỏ dầu nhớt thải xuống sẽ thuộc câu chuyện khác (xả chất ô nhiễm không đúng nơi quy định ảnh hưởng đến môi trường sống.
Để có một thị trường phát triển, chúng ta cần những công ty này chịu trách nhiệm để làm gương mẫu cho các công ty khác. Nếu có những công ty vô trách nhiệm thì sẽ làm tiền lệ xấu cho các công ty khác thuộc các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến đời sống người dân. Nên việc người đại diện cho công ty nói rằng "tôi là nạn nhân lớn nhất" thay vì việc chấp nhận lỗi sai và xin lỗi là hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Xem nhiều trong ngày:
>Trả lương thấp nhưng đòi tuyển lao động kỹ năng cao
>'Chê nhà trường dạy nhồi nhét nhưng luôn muốn con là thần đồng'
>Thầy Park vẫn giấu bài nên chỉ thắng Indonesia 3-1
> 'Không nhận ra tuyển Việt Nam 20 phút cuối gặp Indonesia'>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.