Trong tự nhiên chúng ta luôn thấy những cuộc di cư vĩ đại của tuần lộc, linh dương đầu bò, cá trích, cá hồi, cá cơm, hải âu... Tất cả những cuộc di cư đó đều vì miếng ăn. Và luôn có hai hành trình, hành trình đến vùng đất mới và hành trình trở về. Theo tôi, con người cũng có hai cuộc đại di cư vì cuộc sống và kế sinh nhai:
Di cư đô thị chính là việc con người liên tục di chuyển từ những vùng có tỉ lệ đô thị thấp vào những vùng có tỉ lệ đô thị cao. Mỗi năm có hàng triệu học sinh ở mỗi quốc gia tham gia kỳ thi đại học, cao đẳng... Mỗi năm có hàng triệu sinh viên tốt nghiệp cố gắng ở lại thành phố. Tất cả đều vì công việc, vì miếng ăn.
Hay dễ thấy nhất chính là dòng người đi xuất khẩu lao động. Tại sao người bản địa ở đô thị đó không làm công việc đó mà nhường cơ hội cho dân nhập cư, xuất khẩu lao động?
Vì cạnh tranh giá cả để ăn chênh lệch giá trị. Một ly cà phê thì chỉ 30% là giá của cốc cà phê, nhưng 70% là công của người bưng bê, phục vụ, rửa ly... Chi phí thuê nhân công bản địa cao do mức sống của họ cao (trường học đắt hơn, y tế đắt đỏ, thuế...).
Ngược lại người lao động ở nơi khác có mức sống thấp hơn lại trở thành đối thủ cạnh tranh với dân bản địa. Với chi phí 1/3 để trả lương cho một người xuất khẩu lao động sẽ lời hơn nhiều so với dân bản địa.
Có thể thấy yếu tố thành công của dân xuất khẩu lao động chính là chi phí, mức sinh hoạt thấp ở quê nhà giúp họ là lực lượng lao động tại các đô thị. Tương tự, di cư từ nông thôn ra đô thị trong một quốc gia vẫn vậy. Đó là lấy chi phí, mức sống rẻ để cạnh tranh so với dân bản địa.
Đô thị hóa cuộc di cư ngược lại với di cư đô thị đó là đô thị hóa. Đô thị hoá là dòng người ở các đô thị, cùng với cơ sở hạ tầng đô thị di cư vào các vùng nông thôn nhằm đô thị hoá nông thôn.
Cuộc di cư này chậm hơn nhưng lại mang lại nhiều thành công. Biểu hiện cụ thể là các vành đai đô thị liên tục mở rộng từ trung tâm các thành phố. Những người giàu có ở đô thị với lợi thế tích lũy vốn liên tục về những vùng quê để làm ăn, xây dựng làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Có thể thấy ưu thế của cuộc di cư này chính là vốn và trình độ công nghệ. Những người nhiều vốn, công nghệ sẽ sản xuất kinh doanh tốt hơn, hoặc mua gim các lô đất có giá trị cao, tăng nhanh... Ngược lại dân bản địa nông thôn lại ít vốn, lẫn công nghệ.
Trên quy mô toàn cầu là di cư của các công ty công nghệ. Di cư nhỏ lẻ nội địa là di cư bất động sản, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Với di cư bất động sản là việc nhiều người thành thị, nhà nội đô bán nhà gom vốn vào thời điểm họ có công nghệ, trình độ tốt để di cư ra ngoại thành. Họ chấp nhận giảm mức sống với y tế, giáo dục để đổi lấy một không gian sinh hoạt lớn hơn, cùng với lượng vốn dư ra để đầu tư công việc, học tập.
Riêng việc có ưu thế vốn họ nhanh chóng chớp lấy những vị trí bất động sản có lợi, có khả năng tăng giá, đô thị hóa sớm trong vòng 10, 20 năm. Rất nhanh những mảnh đất ngoại thành sẽ đô thị hóa để có giá tương đương nội thành nhưng giá trị sử dụng, không gian sinh hoạt lớn hơn.
Cuộc di cư theo các cung đường vành đai đô thị là minh chứng.
Tuệ Minh Đài
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.