Kim Tự Tháp, xác ướp và hầm mộ cùng những lời nguyền huyền bí về các Pharaoh ở Ai Cập luôn thu hút khách du lịch. Một trong những điểm nổi tiếng chính là lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun.
Lăng mộ thật của Tutankhamun được xây dựng vào năm 1327 TCN, sau khi nhà vua trẻ băng hà ở tuổi 19. Vào năm 1922, nhà khảo cổ học nổi tiếng Howard Carter mở dấu niêm phong hầm mộ chôn cất xác ướp này ở Thung lũng của các vị vua.
Khi phát hiện, hầm mộ được bảo tồn gần như nguyên vẹn và nhanh chóng trở thành điểm thu hút khách tham quan. Càng ngày, số lượng người đến càng đông, mang đến sự hư hại không nhỏ cho các di tích lịch sử.
Sau khi mở cửa, hầm mộ bị hư hại bởi sự thay đổi nhiệt độ... Ngoài ra, vi khuẩn và độ ẩm từ hơi thở của du khách, sức nóng từ cơ thể người cũng như từ các bóng đèn đã tổn hại đến khu lăng mộ.
Với mong muốn bảo tồn những di tích quý giá, chính quyền Ai Cập cho xây dựng lại một khu lăng tẩm y hệt khu thật. Các nhà khảo cổ học mất 5 tuần để ghi lại từng chi tiết của khu mộ. Họ còn dùng máy quét laser để chụp lại hình dáng, kết cấu và màu sắc trước khi dùng máy để tạo ra những bản sao chính xác. Điều này khiến cho du khách có cảm nhận như họ đang được xem "đồ thật".
Lăng mộ Tutankhamun là một trong 63 lăng mộ tại Thung lũng của các vị vua ở Luxor, miền Nam Ai Cập. Hiện chính quyền Ai Cập vẫn mở song song hai hầm mộ thật và giả. Tuy nhiên trong thời gian tới, hầm mộ "xịn" sẽ được đóng cửa để trùng tu và bảo tồn.
Xây dựng khu mộ giả này có kinh phí lên đến hơn 690.000 USD. Dự án do Công ty Factum Arte tại Tây Ban Nha triển khai và đầu tư, dưới sự giám sát của Hội đồng tối cao di tích cổ Ai Cập.
Pharaoh Tutankhamun là một trong những vị vua trẻ và nổi tiếng nhất trong các vị hoàng đế Ai Cập. Ông lên ngôi khi mới 9 tuổi và trị vì trong vòng 10 năm. Nhân loại sau này đã thêu dệt nên khá nhiều giai thoại xung quanh cái chết của vị vua trẻ. Một trong số đó là tin đồn trong lăng mộ có khắc dòng chữ với nội dung: "Cái chết sẽ nhanh chóng đến với kẻ nào dám xâm phạm sự thanh bình của hoàng đế". Tuy nhiên ngày nay khoa học đã chứng minh sự thật lời nguyền không hề tồn tại và chính các phóng viên thời đó đã "sáng tạo" ra.
Anh Minh
Ảnh: CNN