Sáng hôm đầu tiên của kỳ nghỉ Tết, sau khi lót dạ bát cơm rang, mẹ dúi thêm cho tôi vài củ khoai vào trong túi áo trước khi kéo thật cao tấm áo mưa để tránh sương muối. Mẹ ra đồng cấy nốt mảnh ruộng, tôi cùng lũ bạn tay liềm, tay bị đi bứt cỏ cho trâu bò.
Nhà tôi có nuôi một mẹ con nhà bò mà tôi vẫn âu yếm gọi là con vàng vì bộ lông vàng ươm của nó. Nhà thằng Hạnh kế bên có 1 bò 2 trâu. Nhà thằng Thi là kinh nhất, cả trâu cả bò, cả nghé, cả bê là 6 con. Ngày Tết chả ai dắt chúng ra đồng được, nên chúng tôi phải chuẩn bị thức ăn trước cho nó. Cỏ đồng gần không đủ để cắt, chúng tôi kéo nhau lên rừng tìm cỏ và các thức lá trâu bò ăn được, vừa tranh thủ kiếm thêm được ngọn măng, nhúm rau rừng.

Bàn thờ mẹ chăm chút ngày Tết.
Cái kiểu cắt cỏ tập thể rất có không khí, một lũ trẻ con lốc nha lốc nhốc cười nói hò hét làm thức giấc cả một khoảng rừng. Nghe lời mẹ dặn nên chả đứa nào tranh của đứa nào, phân công lao động rõ ràng, mày đám lá này, tao bụi cỏ kia, đứa này chặt bì rồi thì quay sang cắt cho đứa khác. Dĩ nhiên cũng có lúc chúng tôi choảng nhau nhưng làm hòa rất nhanh. Cỏ rừng có nhiều loại, mềm mại như cỏ trai, ngọt sắc như cỏ mía, nhưng trâu bò thích ăn nhất vẫn là loại cỏ sữa giòn thơm, những thân chuối rừng to cũng được đốn ngã, thứ này không chỉ trâu bò mà cả lợn gà đều rất thích ăn.
Chúng tôi lùng sục đến gần trưa, khi cái nắng ấm mùa đông dâng lên nồng nồng mặt đất thì bì cỏ cũng lặc lè. Cả lũ lại ì ạch vừa kéo vừa đẩy cái bì nặng trịch xuống núi. Chuối rừng thì lăn vào bên vệ đường đợi xe bò của cha lên kéo, còn cỏ thì chất lên xe, rau và măng tìm được thì cho vào trước giỏ, đôi khi may mắn còn có thêm một nhánh mai rừng vàng thắm, thế là cả lũ lại băng băng về nhà. Cứ thế, khoảng vài ba hôm thì đủ cỏ cho trâu bò ăn Tết, mà nhà cũng được cải thiện bữa măng đắng chấm ruốc tuyệt cú mèo.
Khoảng 25 âm, khi lúa đã cứng chân trên đồng, mẹ lại bắt tay vào dọn dẹp, nơi đầu tiên được mẹ ưu ái chọn là khu chuồng gia súc. Mẹ cào phân, tôi kéo bơm xách nước để mẹ cọ rửa, khô ráo đâu đó, mẹ rắc vôi lên để chiều tôi rải rơm làm ổ. Những tấm bạt cũ, bì rách, mẹ may lại quây xung quanh khu chuồng. Nhìn lũ lợn con sạch sẽ, mắt lim dim trên cái ổ ấm áp, mẹ con nhà bò thong thả nhai cỏ, đàn gà cục cục mổ thóc mẹ tôi vui lắm, hồ hởi: “Đấy nhé, sạch sẽ, ấm áp, cỏ đầy chuồng, cám đầy bồ, tha hồ mà ăn Tết. Năm mới phải sinh đẻ nhiều, chóng lớn, không dịch bệnh, để cái Thơ còn có quần áo mới, sách vở mới nữa chứ”. Tôi cười khanh khách đấm vào lưng mẹ “Mẹ, thế hóa ra bầy lợn nó nuôi con à”.
Phiên chợ đầu tiên của mẹ khi lịch đã bóc đến ngày 28 âm và chợ đã giảm giá nhiều mặt hàng. Mẹ tất bật mua hàng, nấu nướng, gói bánh, cha thì rửa đám cày cuốc sạch sẽ “để chúng cũng được nghỉ ngơi ăn Tết”, rồi vào nhà lau dọn bàn thờ. Tôi là cái con sai vặt, chạy như con thoi nhà trên nhà dưới. Chiều 30 Tết, sửa soạn xong mâm cơm Tất niên, mẹ cầm liềm ra vườn hái rau khoai lang vào nấu cám cho lợn, tôi ra chuồng rút cho bò nắm cỏ, thêm thóc vào chuồng cho gà. Đâu vào đấy, mẹ tôi mới tắm rửa ngồi vào mâm cỗ, kết thúc những ngày tất bật cho 1 cái Tết tinh tươm.
Cha tôi cầm chén rượu thủng thẳng hỏi tôi: “Nhà mình, ai ăn Tết sớm nhất Thơ”. Tôi bảo: “Cha, cha ngồi vào mâm trước”. Cha tôi tủm tỉm: “Có kẻ ngồi vào mâm trước cha con ạ?”. Tôi ngơ ngác, mẹ tôi thì tủm tỉm. Cha lại thủng thẳng: “Con vàng (tên con bò nhà tôi) nó ngồi mâm trước tiên, đến bầy lợn, bầy gà rồi mới đến cha con mình”. Mẹ cười vang: “Còn mẹ thì ngồi mâm cuối cùng nhé!”. Tôi méo xệch: “Thế là con Vàng sướng nhất, còn mẹ khổ nhất à”.
Tiếng cười vang vui vẻ trong những chiều 30 rét mướt ấy vẫn vang lên trong lòng tôi tới tận bây giờ. Mẹ giờ đã đỡ vất vả hơn trước nhiều nhưng vẫn giữ thói quen lo “cỗ” cho bầy gia súc rất chu đáo. Với mẹ, chăm lo cho chúng, chính là chăm chút cho chúng tôi, cho gia đình bé nhỏ này. Ngoài đức tính lo toan, vun vén, chúng tôi còn học thêm được từ mẹ tình yêu thương loài vật. Tết Nguyên đán, với mẹ, là cái Tết của mọi loài, là lúc tất cả đều được nghỉ ngơi và hưởng thụ trong vui vẻ, ấm áp và no đủ.
Cuộc thi "Mẹ mang xuân về" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với Công ty Unilever Việt Nam tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Bạn có thể viết về tình yêu với mẹ, ý tưởng thiết thực để cảm ơn người sinh thành... Chương trình diễn ra trong 3 tuần từ ngày 27/12/2013 đến 16/1/2014. Độc giả gửi bài tham gia tại đây. |
Thái Thị Thương