Nhận định này được đại diện ADB đưa ra tại buổi họp báo về Triển vọng phát triển châu Á diễn ra sáng 6/4 tại Hà Nội. Đánh giá về tình hình năm 2011, ông Ayumi Konishi, Giám đốc ADB Việt Nam và các chuyên gia khác của tổ chức này đều thống nhất rằng lạm phát vẫn là thách thức lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam.
![]() |
Các chuyên gia ADB cho rằng lạm phát 2011 của Việt Nam sẽ ở mức 2 con số. Ảnh: B.D |
Đại diện ADB đánh giá cao Nghị quyết 11 cũng như các gói giải pháp toàn diện, quyết liệt được Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết này và cho rằng nó sẽ có tác dụng tích cực đối với mục tiêu ổn định kinh tế, giảm lạm phát của năm nay.
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á, Việt Nam sẽ rất khó giữ lạm phát ở mức một con số trong năm nay, bởi mặt bằng giá hiện đã cao hơn cùng kỳ 2010 khoảng 13-14%. “Nếu trong 9 tháng còn lại, tăng CPI có là 0% thì đến cuối năm, giá tiêu dùng vẫn sẽ cao hơn thời điểm cuối năm 2010 khoảng 13,3%”, ông Konishi nhận định.
![]() |
ADB dự báo lạm phát sẽ giảm về mức 6-7% trong năm 2012. |
Về kịch bản lạm phát ADB cho rằng CPI sẽ tiếp tục tăng đến hết tháng 9 và đỉnh điểm có thể lên tới hơn 16% (so sánh với cùng kỳ năm trước). ADB cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2011 sẽ giảm còn 6,1% do tác động của các biện pháp thắt chặt tiền tệ (dự báo trước đó là 7%). Tuy nhiên, đến 2012, tốc độ tăng trưởng này sẽ phục hồi, trở lại mức 6,7% khi môi trường kinh tế ổn định hơn, giúp kích thích tiêu dùng và đầu tư.
Cũng theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện tiếp tục ở mức thấp, khoảng 12,4 tỷ USD. Tuy nhiên, thâm hụt tài khoản vãng lai có dấu hiệu được cải thiện, dự kiến giảm xuống 4% trong năm 2011.
Trong dự báo mới đây của cơ quan nghiên cứu tạp chí The Economist (EIU), chỉ số giá tiêu dùng có thể lên 14,3% trong năm 2011, trước khi giảm xuống mức trung bình 7,8% một năm trong giai đoạn 2012 đến 2015. Ngoài ra, báo cáo này cũng nhận định tốc độ tăng trưởng GDP thực của Việt Nam trong giai đoạn 2011 đến 2015 sẽ ở mức trung bình 7,2%, nhờ vào tăng trưởng trong chi tiêu tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. EIU nhận định Chính phủ Việt Nam sẽ phải tiếp tục chiến đấu với việc giữ tiền đồng ổn định so với đôla Mỹ. Bộ phận nghiên cứu của The Economist dự đoán tiền đồng sẽ tiếp tục mất giá, với tỷ giá hối đoái ở mức 23.873 đồng ăn một USD vào năm 2015. Thanh Bình |
Nhật Minh