Báo cáo thường niên Triển vọng Phát triển châu Á của ADB đánh giá, các vấn đề chính đối với kinh tế Việt Nam hiện nay là áp lực lạm phát tăng, tăng trưởng GDP và xuất khẩu chậm lại, thị trường chứng khoán bất ổn, luồng vốn vào và kiều hối có thể sụt giảm, thâm hụt cán cân vãng lai gia tăng.
Ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định, với các biện pháp Chính phủ đang thực hiện để kiềm chế lạm phát như thắt chặt ngân sách, tăng tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái, thắt chặt tiền tệ, và với điều kiện các chính sách vĩ mô đồng bộ, Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 7% trong năm nay.
Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam và khu vực trong 7 năm gần đây. Nguồn: ADB. |
Các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng, tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm sẽ ở mức 15,6%. Theo cách tính CPI mới được áp dụng, là so sánh cả 12 tháng năm nay với 12 tháng của năm 2007, tỷ lệ lạm phát sẽ là 18,3%.
Một chỉ tiêu quan trọng khác, cũng có sự thay đổi là tốc độ tăng xuất khẩu. ADB dự đoán, giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm nay có thể ở mức 18,7%, thay vì 22% như kế hoạch đầu năm.
Các chỉ tiêu ADB đưa ra đều kém lạc quan hơn so với nhận định của WB. Ngân hàng thế giới cho rằng năm nay kinh tế VN vẫn có thể tăng trưởng 7,5-8%, xuất khẩu tăng 20-22%.
Đưa ra dự báo về một năm kinh tế tiến triển không suôn sẻ, song ADB cho rằng, sang đến năm 2009, tình hình sẽ khả quan hơn. Theo đó, tăng trưởng GDP năm tới có thể đạt 8,1% và lạm phát cả năm 2009 sẽ xuống mức 7,6%.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, vấn đề trọng tâm đối với Việt Nam hiện nay là "Giữ vững tiến trình trong cơn bão", đúng như tên của bản báo về Việt Nam. Khuyến nghị đầu tiên được ADB đưa ra là hạn chế tỷ lệ lạm phát trước khi vấn đề này trở thành kinh niên. Cùng với đó là đẩy lùi lạm phát mà không làm tổn hạn đến triển vọng phát triển kinh tế trung hạn, bằng việc cải thiện hiệu quả đầu tư công, thay vì cắt giảm.
Mặt khác, theo ADB, một việc quan trọng là tăng cường năng lực thể chế của các cơ quan quản lý chính sách vĩ mô và tạo sự đồng bộ trong các chính sách. "Đến cuối tháng 3, chúng tôi vẫn thấy rằng sự đồng bộ và phối hợp trong các chính sách vĩ mô vẫn chưa được tốt", Giám đốc ADB tại Việt Nam Konishi nhận xét. Các chuyên gia của ADB cũng nhấn mạnh, cần củng cố các quy chế và tăng cường giám sát hoạt động của các ngân hàng.
Ngọc Châu