Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo triển vọng kinh tế châu Á, trong đó nhận định kinh tế Việt Nam sẵn sàng phục hồi mạnh trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn định.
Theo ADB, kinh tế Việt Nam dự kiến phục hồi ở mức 6,5% trong năm 2022 và tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6,7% năm 2023. Cơ sở cho dự báo này là tỷ lệ tiêm chủng cao, đẩy mạnh thương mại và tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng.
Đánh giá của ADB đang lạc quan hơn nhiều so với các tổ chức khác như WB - đưa ra mức tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay đạt 5,3% sau nhiều lần điều chỉnh giảm; hay HSBC vừa hạ dự báo từ 6,5% xuống 6,2% trước nguy cơ chịu ảnh hưởng thiếu hụt nhiên liệu toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng ADB, có 3 yếu tố chính giúp kinh tế Việt Nam phục hồi.
Thứ nhất là động lực từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Ông Cường cho biết, trong 3 tháng đầu năm, sự phục hồi của doanh nghiệp tương đối tốt với khoảng 35.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Lực lượng lao động cũng như sự quay trở lại của doanh nghiệp đang hỗ trợ cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng sự cải thiện này vẫn cần thêm thời gian để tạo thành lực đẩy mạnh mẽ hơn.
Thứ hai là thương mại và đầu tư. Theo chuyên gia ADB, thương mại đang tăng trưởng tốt, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt mức rất cao. Thương mại và đầu tư gắn rất chặt với quá trình mở cửa của kinh tế Việt Nam thông qua các FTA đã và đang ký kết. Trước tác động của Covid-19 và dòng đầu tư toàn cầu có giảm nhưng FDI vào Việt Nam vẫn được dự báo phát triển mạnh.
Thứ ba là dịch vụ. Ông Cường cho biết, ngoài các dịch vụ vẫn duy trì được đà tăng trưởng, ngành du lịch đang có chuyển biến tích cực nhờ chính sách kiểm soát Covid-19 linh hoạt và việc Việt Nam tái mở cửa. Dự kiến ngành này sẽ có đà tăng trưởng tốt trong năm 2022 và 2023.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với một số rủi ro chính, theo đại diện ADB. Theo đó, dịch Covid-19 nếu không giảm bớt có thể cản trở nền kinh tế quay lại trạng thái bình thường trong năm nay. Kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại cùng sự bất định về địa chính trị với căng thẳng Nga – Ucraine. Hay ở trong nội tại, thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam cũng đang bộc lộ một số vấn đề trong năm 2021, 2022 như nợ xấu hay trái phiếu doanh nghiệp...
Ngoài ra, ADB đánh giá, lạm phát quý I của Việt Nam có dấu hiệu tăng, tuy nhiên lạm phát cả năm 2022 vẫn ở mức kiểm soát là 3,8%. Sang 2023, tổ chức này dự báo, lạm phát khoảng trên 4% và cho biết, đây là xu thế chung của các nước khu vực Đông Nam Á khi lạm phát trong tầm kiểm soát, chính sách tiền tệ vẫn trong mức nới lỏng.
Đức Minh