Theo đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ thực hiện quản lý 22 sân bay do nhà nước đầu tư theo phương thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thời hạn quản lý của ACV từ 7/12/2020 đến 31/12/2025.
ACV được trực tiếp tổ chức khai thác tài sản, kết cấu hạ tầng hàng không đảm bảo đúng mục đích, công năng. Đơn vị này không được chuyển nhượng, bán, tặng, cho, cầm cố, thế chấp, góp vốn bằng tài sản kết cấu hạ tầng được giao.
Đồng thời, ACV được sử dụng nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do doanh nghiệp được giao quản lý, để chi trả chi phí bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo quy định về sử dụng tài sản công.
Như vậy, khó khăn về cơ chế sửa chữa, bảo trì tài sản khu bay của ACV sẽ được tháo gỡ, cho phép doanh nghiệp tự bỏ kinh phí để sửa chữa đường cất hạ cánh và các tài sản khác trong khu bay.
Theo ACV, hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại 22 sân bay do Nhà nước đầu tư có giá trị khoảng 8.550 tỷ đồng, bao gồm hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, hệ thống hỗ trợ hạ cánh... Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng quản lý số lượng vật tư, thiết bị dự phòng trị giá 2.785 tỷ đồng và hệ thống khí tượng hơn 380 tỷ đồng.
Trước đây, việc ACV tự bỏ tiền để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng khối tài sản trên gặp nhiều khó khăn khi doanh nghiệp này đã cổ phần hoá từ năm 2015. Còn theo quy định pháp luật, tài sản kết cấu hạ tầng do nhà nước quản lý phải sử dụng vốn ngân sách để sửa chữa, nâng cấp.
Anh Tú