Khi quân Đức bắt đầu một cuộc tấn công bằng khí độc vào pháo đài Osowiec của Nga vào ngày 6/8/1915, họ cho rằng đó sẽ là một trận đánh dễ dàng, khi binh sĩ Nga không được chuẩn bị để đối phó với vũ khí hóa học. Tuy nhiên, lính Đức đã gặp cơn ác mộng thật sự trước sự kháng cự quyết liệt những binh sĩ Nga đang hấp hối, khởi đầu cho trận đánh được mệnh danh là "cuộc tấn công của người chết", theo RBTH.
Pháo đài Osowiec nằm gần thị trấn Bialystok của Ba Lan, được coi là cái gai trong mắt của quân Đức trong Thế chiến I do có vị trí quan trọng, buộc Berlin phải triển khai nhiều lực lượng đối phó. Các đợt tấn công đầu tiên bắt đầu từ tháng 9/1914 với sự yểm trợ của máy bay và pháo binh nhưng đều không thành công. Sau nhiều lần thất bại, quân Đức bắt đầu áp dụng các biện pháp cực đoan để chiếm pháo đài.
Ngày 6/8/1915, lực lượng Đức bắt đầu bơm khí độc chlorine vào pháo đài. "Tất cả những người bám trụ bên ngoài pháo đài đều thiệt mạng. Cỏ ngả màu đen, trong khi lương thực nhiễm độc nặng và không thể ăn được. Pháo đài không được chuẩn bị cho một cuộc tấn công bằng khí độc", Sergey Khmelkov, một lính Nga sống sót sau trận đánh, nhớ lại.
Khmelkov cho biết các chỉ huy Nga không chuẩn bị kế hoạch đối phó với khí độc chlorine. Hầu hết các vị trí đóng quân và công sự đều không có hệ thống thông hơi cũng như bình dưỡng khí. Những chiếc mặt nạ phòng độc được phân phát từ trước cũng không có hiệu quả.
Ba trong số 4 đại đội đóng tại pháo đài Osowiec bị xóa sổ sau đòn tấn công hóa học của Đức, chỉ còn khoảng 100 binh sĩ thuộc Đại đội 13, Sư đoàn bộ binh số 226 trong tình trạng sống dở chết dở bám trụ trận địa. Lính Đức được trang bị mặt nạ phòng độc bí mật áp sát pháo đài, tự tin rằng cuộc tấn công sẽ rất dễ dàng khi toàn bộ lực lượng phòng thủ đã bị tiêu diệt.
Cuộc phản công của người chết
Quân Đức dễ dàng vượt qua phòng tuyến đầu tiên của Nga, đột kích qua lớp tường bảo vệ và tiến vào trong pháo đài. Đúng lúc đó, những người sống sót của Đại đội 13 bắt đầu cuộc phản kích dưới sự chỉ huy của thiếu úy Vladimir Kotlinsky.
"Tôi không thể mô tả được sự giận dữ của các binh sĩ Nga khi tiến về phía quân Đức, những kẻ đã đầu độc họ. Các loại hỏa lực của đối phương đều không thể cản bước những người lính đang phát cuồng", một lính Nga sống sót sau trận đánh cho biết.
60 binh sĩ của Đại đội 13 khai hỏa trong lúc run rẩy, ho ra máu, với khuôn mặt bọc kín bởi những miếng vải đẫm máu. "Dù bị đầu độc và kiệt sức, họ vẫn tiến lên với mục tiêu duy nhất là nghiền nát quân địch", một nhân chứng nhớ lại.
Khiếp sợ trước sức phản công điên cuồng và bộ dạng dị thường của những người lính Nga trúng chất độc hóa học, lính Đức hò nhau vứt vũ khí tháo chạy khỏi pháo đài và mắc vào chính hàng rào thép gai của mình. Tận dụng điều này, lính Nga tái chiếm phòng tuyến bảo vệ pháo đài và giành lại các khẩu pháo. Thiếu úy Kotlinsky bị thương nặng và thiệt mạng vào tối hôm đó.
Trong tháng 4 và 5/1915, liên quân Đức và Áo nhiều lần chọc thủng phòng tuyến của Nga ở Đông Phổ. Sự kháng cự của pháo đài Osowiec đã yểm trợ cho các cuộc rút lui chiến lược của Nga cho tới hết tháng 8, thời điểm việc giữ Osowiec không còn ý nghĩa.
Ngày 22/8, các binh sĩ Nga rời pháo đài Osowiec trong trật tự, sau khi phá hủy các bức tường và công trình phòng thủ kiên cố. "Cuộc phản công của trung úy Kotlinsky đã ngăn pháo đài rơi vào tay quân Đức, cứu sống hàng nghìn người khỏi một thảm họa cận kề. Lịch sử sẽ rất khác nếu người Đức chiến thắng trong trận đánh ngày 6/8/1915", sử gia Boris Egorov nhận định.