Quyết từng là tâm điểm trên một nhóm tiền số hơn 100 nghìn thành viên, sau khi anh đưa thông điệp trái chiều về dự án. "Mỗi ngày hộp tin nhắn chờ của tôi lại nhận được vài lời chửi bới đe dọa, nhưng tôi không quá bận tâm vì chúng nằm trong mục spam", Quyết kể.
Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên phức tạp hơn khi những kẻ tấn công lần ra các thông tin tiếp theo từ Facebook của anh. Một ngày, một trong những thành viên trên nhóm khoe đã tìm ra số điện thoại của Quyết nhờ một công cụ chuyên tra số từ mạng xã hội.
Ít phút sau khi thông tin được đăng lên, anh lập tức nhận "bão" cuộc gọi, nháy máy làm phiền hoặc tin nhắn đe dọa giữa đêm. Từ số điện thoại, vốn được anh dùng để đăng ký nhiều dịch vụ online, những người này còn tìm ra các thông tin trên Internet liên quan đến anh, chụp lại rồi đăng lên để công kích.
Chưa dừng ở đó, sáng hôm sau, một loạt dịch vụ như giao hàng, đặt vé máy bay, khám chữa bệnh, vay tiền liên hệ với anh để "xác nhận đơn hàng".
"Sau khi nghe, tôi mới biết đã ai đó đã dùng số của tôi để đăng ký dịch vụ. Dù đã giải thích, nhưng có bên vẫn trách móc, cho rằng tôi 'bom hàng' và chơi khăm họ".
Dù là số điện thoại quan trọng, anh Quyết vẫn phải tắt máy ít ngày để tránh bị tấn công. Đến nay, dù bài đăng đầu tiên đã bị xóa, thông tin về anh đã bị một số người khác lưu lại, thỉnh thoảng lại chia sẻ lên nhóm để đe dọa.
Thu Huyền (TP HCM) cũng từng là nạn nhân của việc lộ số điện thoại sau khi mua hàng online. "Hôm đó, tôi bỗng dưng nhận được hàng loạt tin nhắn tục tĩu, gạ tình. Sau khi tra thử trên Google, tôi mới biết số điện thoại và Facebook của mình xuất hiện trên một trang khiêu dâm", Huyền kể. Cô nghi ngờ cuộc trao đổi trên mạng trước đó của mình với một cửa hàng online có thể là nguyên nhân sự việc.
"Sau khi mua hàng, thấy chất lượng kém nên tôi không nhận và có tranh cãi với bên đó. Có thể đây là cách trả thù của họ, vì họ có hết thông tin của tôi từ số điện thoại cho đến địa chỉ", Huyền nói.
Không bị tấn công như Quyết hay Huyền, nhưng Ngọc Hà (Hà Nội), cũng trở thành nạn nhân của một loạt các cuộc gọi quảng cáo, khi cô đưa số điện thoại của mình trong một nhóm riêng tư.
"Đó vốn là group của chung cư nơi tôi ở. Quản trị viên đề nghị mọi người cung cấp số điện thoại và căn hộ để tiện liên hệ khi cần. Không suy nghĩ gì, tôi cung cấp luôn số điện thoại chính", Hà kể.
Chưa đầy một tuần sau, hàng loạt công ty cung cấp dịch vụ ở gần chung cư nơi cô sống, từ nhà đất, trung tâm Anh ngữ cho đến cho vay tài chính gọi điện chào mời dịch vụ. "Thậm chí họ biết nhà tôi có con nhỏ để tư vấn chương trình học", cô nói. "Dù đã xóa bình luận cũ, tôi vẫn lo những người chuyên thu thập dữ liệu có thể đã lưu trữ những thông tin này".
Tình trạng lộ thông tin cá nhân nói chung và số điện thoại nói riêng không còn hiếm với nhiều người sử dụng dịch vụ Internet tại Việt Nam. Nhiều người cho biết liên tục bị làm phiền sau khi sử dụng số điện thoại để đăng ký một dịch vụ nào đó. Ví dụ, sau khi mua vé máy bay, họ có thể nhận được hàng loạt tin nhắn và cuộc gọi mời chào dịch vụ taxi sân bay.
Trong thời đại mạng xã hội, các chuyên gia khuyến cáo số điện thoại còn có thể liên kết với hàng loạt thông tin cá nhân khác như hình ảnh, gia đình, nơi làm việc. Ngoài ra, số điện thoại cũng gắn liền với nhiều ứng dụng, tài khoản ngân hàng của người dùng.
"Một khi rơi vào tầm ngắm của kẻ xấu, người dùng có thể trở thành nạn nhân bởi chính những thông tin mà mình cung cấp", chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu đánh giá. Từ việc lộ số, những hậu quả có thể kể đến như bị làm phiền, quấy rối, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ bị đánh cắp sim, chiếm đoạt tài khoản.
Muôn kiểu lộ số điện thoại
Theo các chuyên gia bảo mật, người dùng hiện vẫn còn tương đối ngây thơ khi chia sẻ thông tin cá nhân, bao gồm số điện thoại. Bên cạnh đó, những nhà tiếp thị, hacker cũng có nhiều cách để lấy số của người dùng nếu họ không tự bảo vệ.
Ví dụ, chỉ cần một bài đăng chương trình khuyến mại với đề nghị để lại số điện thoại để nhận ưu đãi, không ít người sẵn sàng cung cấp thông tin. Một số nhóm hacker sử dụng chiêu mạo danh nhà mạng, cơ quan chức năng để thu thập thông tin danh tính gắn với số điện thoại, hoặc thông qua website, cuộc gọi lừa đảo. Hay như trong trường hợp của Quyết, anh vốn tin rằng số điện thoại liên kết với Facebook sẽ giúp bạn bè của mình sẽ có thêm kênh liên lạc khi cần, mà không nghĩ đến ngày chúng trở thành công cụ để quấy rối.
Theo chuyên gia Ngô Minh Hiếu, trên darkweb hay một số "chợ dữ liệu" trên Telegram và Facebook, không khó tìm thấy thông tin danh tính nhạy cảm được rao bán. "Ngoài ra, kẻ gian trên Internet sẽ không bỏ sót bất kỳ một ai. Chỉ cần một chút sơ hở, chúng có thể tìm cách đánh cắp thông tin của bạn để làm giàu cho cơ sở dữ liệu, sau đó mang đi bán hoặc thực hiện hành vi phạm pháp luật", ông Hiếu cho biết.
Chuyên gia này khuyến nghị người dùng cần hạn chế tối đa và luôn suy nghĩ trước khi chia sẻ thông tin như số điện thoại, căn cước công dân hay bất kỳ hình ảnh nhạy cảm nào lên mạng. "Vì một khi thông tin đã được đưa lên Internet, sẽ rất khó thu hồi và quyền kiểm soát khi ấy không còn nằm trong tay người dùng nữa", ông nói
Trong trường hợp bị quấy rối bởi các cuộc gọi và tin nhắn từ số lạ, người dùng được khuyến nghị chặn các liên hệ này, sau đó báo lên trang chongthurac.vn của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, nếu cần có thể chặn tạm thời việc nhận cuộc gọi và tin nhắn từ số lạ.
Lưu Quý