Tôi là một trong rất nhiều người ngoại tỉnh đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mười năm trước, khi còn thuê nhà gần nơi làm việc, tắc đường đối với tôi chỉ là một thứ gì đó tương đối... nhẹ nhàng.
Nhưng mấy năm trở lại đây, khi mua được căn hộ chung cư ven rìa thủ đô, tắc đường thực sự trở thành ác mộng. Hàng ngày, sau khi đưa con đi học, tôi thường mất khoảng 45 đến 50 phút cho 11 km từ nhà đến nơi làm việc, tương tự như thế với chiều về. Thỉnh thoảng có hôm mất đến một giờ rưỡi.
Những lần chôn chân vì tắc đường tôi thường nghĩ về nguyên nhân gây ra nó. Phải chăng do đường phố nhỏ quá? Không phải, vì đường to vẫn tắc như thường, thoát khỏi chỗ tắc, đường lại rộng thênh thang.
Hay vì đông người, nhiều xe quá? Không phải, vì nhiều khi chỉ có mấy cái xe cũng có thể gây tắc đường. Hay vì phân làn không hợp lý, nhiều khi làn này tắc, làn ngược chiều lại lẻ tẻ mấy người? Cũng có thể, nhưng điều này gần như là bất khả kháng. Hay do quy hoạch?
Có một thời gian, ngay trên diễn đàn, có rất nhiều bài viết, rất nhiều tranh luận về vấn đề: Có nên cấm xe máy? Tắc đường là do xe máy hay ôtô?. Theo tôi, ôtô, xe máy, hay phương tiện giao thông nói chung chẳng có lỗi gì. Lỗi là ở người ngồi trên chúng.
Người ngồi trên xe máy nghĩ: "Đường tắc không đi lên vỉa hè thì đi vào chỗ nào?" và khi người ngồi trên ôtô còn nghĩ... y hệt như người ngồi trên xe máy, thì rõ ràng phương tiện giao thông chẳng có lỗi.
Trải qua không ít năm "kinh nghiệm", tôi nhận thấy nguyên nhân của tắc đường không gì khác: Ý thức của nhiều người tham gia giao thông rất kém.
Đường nhỏ, đông người, phân làn, quy hoạch... cũng góp một phần nhưng phần nhiều chắc chắn thuộc về ý thức người tham gia giao thông. Ích kỷ + Thiếu ý thức + Một nhóm người người = Tắc đường. Nghe có vẻ tiêu cực nhưng theo tôi, đó là "công thức" của tắc đường.
Ở hầu hết các điểm tắc đường, ta luôn nhìn thấy một ai đó chen lấn, vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè, đi sang làn ngược chiều (kể cả đường có dải phân cách cứng)... Họ tìm mọi cách để vượt lên phía trước. Họ không hiểu hay cố tình không hiểu rằng chính điều đó gây ra tắc đường và chính nó làm đường đã tắc càng tắc thêm.
Họ chỉ nghĩ đến lợi ích của họ, đôi khi chỉ là vài phút, thậm chí vài giây mà bỏ qua lợi ích của cả xã hội. Tôi đã từng làm mấy cuộc khảo sát nho nhỏ, tại những cuộc nói chuyện phiếm, rằng đường tắc thì có đi lên vỉa hè không? Không ít người vô tư trả lời khi tôi còn chưa hỏi hết câu (khiến tôi giật mình): "Không đi lên vỉa hè thì đi vào chỗ nào?".
Và cũng họ, lúc khác lại than rằng vỉa hè vừa làm xong đã xuống cấp. Họ không hiểu rằng họ chính là "cái nêm" nêm chặt vào đoạn đường đang tắc phía trước. Họ không hề biết (hay cố tình không biết) đến khái niệm "nút thắt cổ chai".
Khi tôi nói tôi không đi lên vỉa hè, họ nói cũng không muốn thế nhưng người ta đua nhau đi, một mình mình chẳng thay đổi được gì. Tôi đã nhiều lần dừng lại giữa dòng người vượt đèn đỏ, cả dòng người phía sau sẽ dừng lại. Có nghĩa là trong dòng người đông đúc leo vỉa hè hay vượt đèn đỏ kia không hẳn toàn là người thiếu ý thức, đa phần họ chỉ a dua.
Và để thay đổi, không phải khó, chỉ cần vài người "làm mẫu" là đủ. Quan niệm "một mình mình thì thay đổi được gì" là hoàn toàn sai lầm.
Tôi còn nhớ một "kỷ niệm". Một lần chỉ mình tôi, đi xe máy, mắc kẹt cả trước và sau giữa một dãy ôtô sát vỉa hè, trên vỉa hè dòng xe máy đang nườm nượp, một cô bé lách giữa hai làn ôtô lên đứng song song với tôi.
Bé nhìn tôi nở một nụ cười, nụ cười đến giờ tôi vẫn nhớ, dù đã 4, 5 năm. Tôi tưởng bé cười với tôi vì tìm được "đồng minh", nhưng ngay sau đó là: "Anh ơi, anh lùi lại một chút cho em nhờ được không ạ?", rồi bé kéo ga phi xe lên vỉa hè. Một cảm giác hụt hẫng... Hóa ra một mình là không đủ thật.
Tôi từng "tiêu khiển" mỗi khi một mình nhích từng chút một sau ôtô bằng cách đi chậm nhất có thể mỗi khi có khoảng trống phía trước để trêu ngươi xe ôtô phía sau và bấm còi nhại lại đúng theo nhịp còi họ bấm. Thêm một trò nữa là húc nhẹ vào ôtô phía trước, họ sẽ bật camera sau, tôi bật đèn chiếu vào camera sau của họ. Hay vượt lên rồi ép họ ra làn giữa...
Có phần hả hê nhưng rõ ràng đó không phải cách hành xử khôn ngoan và thậm trí còn có phần "trẻ trâu", chưa kể còn sai luật. Tôi chọn cách đi sát vỉa hè để tìm người đứng cùng. Đứng dưới lòng đường khi đường tắc không khó, cái khó là làm điều đó một mình. Phải thật sự kiên định mới có thể thoát khỏi cám dỗ khi dòng người đua nhau leo vỉa hè.
Và cái khó hơn là vượt qua cảm giác mình là người lập dị, một mình đứng dưới lòng đường khi hầu hết người khác đi trên vỉa hè. Cảm giác này không ít lần làm tôi nổi da gà. Nhiều lúc tôi cũng đắn đo: Liệu mình làm như này có đúng? Liệu tất cả cùng làm như mình thì đường có đỡ tắc? Liệu tất cả cùng xuống lòng đường thì đường có chứa được hết?
Nhưng trên hết, tôi vẫn có niềm tin rằng tôi đúng. Chắc hẳn không ít người biết đến những bức ảnh chụp cảnh tắc đường ở Nhật Bản trong thảm họa động đất - sóng thần, khi dòng người đông đúc sơ tán khỏi thảm họa gây ra tắc đường trầm trọng thì làn ngược chiều không một ai chen lên nhằm nhường đường cho lực lượng cứu hộ.
Tôi gọi đó là "Tắc đường dễ chịu", khi mà chẳng ai thấy khó chịu vì không ai có cảm giác mình đang bị "cướp" đường.
Để có được điều đó, rõ ràng không thể ngày một ngày hai, mà phải trải qua nhiều thế hệ giáo dục, rèn giũa. Và mọi chuyện sẽ đơn giản đi rất nhiều nếu mọi người bỏ đi suy nghĩ "chỉ mình mình thì thay đổi được gì?".
Xã hội ngày càng phát triển, quá trình đô thị hóa ngày càng diễn ra nhanh hơn, dân quê vẫn không ngừng đổ lên thành phố học tập, làm việc... Kéo theo tắc đường ngày càng nghiêm trọng.
Để giải quyết vấn đề này, chỉ mở rộng đường hay quy hoạch là không đủ, việc nâng cao ý thức người tham gia giao thông sẽ góp một phần rất lớn. Để không còn cảnh nhiều người cảm thấy cô đơn khi chôn chân cạnh dòng xe tấp nập vượt qua mình.
Và cuối cùng, là nguyên nhân tôi viết bài này, dù từ trước tới nay tôi chưa từng viết bài đăng lên mạng, kể cả mạng xã hội:
Mấy hôm trước, khi tôi dừng xe sát lề đường vì tắc đường, một chiếc xe máy đằng sau bấm còi inh ỏi. Tôi mặc kệ. Khi nhích được xe lên, xe phía sau vượt lên vỉa hè, ngoái lại nhìn tôi: "Thằng ngáo ngơ! Thằng xxx!". Cho đến bây giờ tôi vẫn còn khó chịu, hình như từ trước đến nay tôi hiểu sai nghĩa của từ tục tĩu ấy.
Bui Duong
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.