Sáng nào cũng vậy, phụ nữ và trẻ em sống ở thị trấn Douma, ngoại ô thủ đô Damascus của Syria, lại lầm lũi kéo nhau ra những cánh đồng để tránh các cuộc không kích của chính phủ, theo New York Times. Những người còn ở lại miêu tả công việc này chỉ là phần nhỏ trong lịch trình không tưởng mỗi ngày của họ.
Họ khởi động một ngày bằng việc mua sắm nhu yếu phẩm trên những dãy phố tan hoang. Sau đó, họ đi lượm nhặt cây dại rồi thu gom xác chết để đem đi an táng tại các ngôi mộ tập thể.
Nhiều nhân viên y tế hoạt động ở Syria cho hay, những cánh đồng bây giờ cũng không còn là địa điểm tránh bom an toàn nữa. Vừa mới đây, một cuộc không kích đã cướp đi sinh mạng của 10 người thuộc hai gia đình, trong đó có 7 trẻ em, khi họ đang cùng tụ tập trên đồng.
Chính cuộc sống "ngàn cân treo sợi tóc" này là một trong những lý do khiến người Syria rời bỏ quê hương tháo chạy sang trời Âu. Từ ngoại ô Damascus đến thành phố Aleppo, những ngôi làng vắng bóng người xuất hiện ngày càng nhiều, cho thấy quy mô khổng lồ của cuộc di cư.
Tại Douma, nơi một đội quân nổi dậy chống chính quyền đang chiếm cứ, hoạt động trấn áp phiến quân được tăng cường với hàng loạt cuộc không kích diễn ra suốt ngày đêm. Phải đối mặt với quá nhiều hiểm nguy, hàng nghìn người nối nhau ra đi. Douma nhộn nhịp với gần nửa triệu dân ngày nào giờ vắng vẻ đến cô quạnh.
Hơn 550 người, hầu hết là dân thường ở Douma và các vùng phụ cận, đã thiệt mạng trong gần một tháng trở lại đây, theo thống kê của các bác sĩ thuộc tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ. Từ hôm 12 - 31/8, mỗi ngày có ít nhất 150 ca chấn thương nghiêm trọng. Đây chỉ là con số ghi nhận từ 13 trạm cấp cứu dã chiến của tổ chức Bác sĩ Không Biên giới.
Các đợt oanh tạc dữ dội thậm chí còn làm lung lay ý chí của những người kiên cường bám trụ nhất, Ahmed, y tá địa phương, cho biết. So với hồi đầu tháng 8, nửa số dân cư ít ỏi ở Douma đã bỏ đi, nửa còn lại hàng ngày kéo nhau ra đồng tránh bom hoặc "nhốt mình trong nhà và cầu thượng đế cứu mạng", anh chia sẻ.
Mọi thứ như đổ sập
Dư luận quốc tế thời gian qua tập trung nhiều vào hoạt động của Nhà nước Hồi giáo (IS) nhưng cuộc nội chiến ở Syria bùng phát từ hồi năm 2011 lại ít được quan tâm. Xung đột này đẩy người dân Syria vào cảnh phải rời bỏ quê hương từ rất lâu trước khi IS xuất hiện.
Douma và các thị trấn nghèo lân cận thủ đô Damascus đều có quân nổi dậy chống chính quyền. Khu vực này hiện là thành trì của lực lượng Quân đội Hồi giáo. Mặt Trận Nusra, chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda, cũng hiện diện ở đây nhưng không có dấu hiệu của IS.
Nếu quân chính phủ gây sức ép bằng đòn không kích thì phe nổi dậy cũng không chịu kém cạnh khi liên tục thực hiện các cuộc tấn công bừa bãi. Sau khi Douma hứng chịu đợt oanh tạc mới nhất từ quân chính phủ, các tay súng nổi dậy đáp trả bằng cách bắn pháo vào Damascus, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng.
Cuộc sống ở Douma thay đổi kể từ khi chính phủ thực hiện biện pháp phong tỏa. Nhiều người tìm cách mua hàng hoá buôn lậu qua các đường hầm bí mật khi khó tiếp cận các nguồn viện trợ. Lệnh phong tỏa cản trở phóng viên tiếp cận khu vực chiến sự. Do đó, hầu hết thông tin về đời sống ở đây đều được lấy từ các đoạn phim do phe nổi dậy, các nhà hoạt động chống chính phủ và nhân viên cứu hộ đăng tải.
Đoạn phim được công bố gần đây quay cảnh một tình nguyện viên chỉ trạc tuổi thiếu niên mang trên vai thi thể bé trai gầy gò. Đoạn video khác thì ghi lại quá trình một thanh niên cố gắng đào các thi thể đẫm máu bị đất đá đè lên. Giữa những cuộc tìm kiếm người sống sót thường chỉ có âm thanh răng rắc của đống đổ nát, thỉnh thoảng vang vọng từ đâu đó lại những tiếng cầu nguyện.
"Tất cả như đổ sập lên đầu chúng tôi", Imad al-Din, người dân ở Douma bộc bạch. "Đến tận lúc này tôi vẫn nghe thấy tiếng họ cầu cứu".
Hôm 16/8, ít nhất 122 người dân ở Douma có mặt tại một khu chợ rau quả đã thiệt mạng sau một cuộc không kích. Bilal Abu Salah may mắn rời khỏi khu chợ ngay trước khi cuộc oanh tạc diễn ra. Salah bị ám ảnh bởi khuôn mặt của những người bán hàng rong mà chỉ vài phút trước ông vừa trò chuyện. Chỉ trong tích tắc, một người chết, toàn thân nhuốm máu, hai người bị thương nặng.
Bác sĩ Adnan Tobaji, người vận hành một bệnh viện dã chiến dưới tầng hầm ở Douma, thỉnh thoảng phải mổ bệnh nhân ngay trên sàn nhà mà không có dụng cụ sát trùng hay thuốc giảm đau. Theo ông, tình trạng thiếu thốn này rất nguy hiểm. Có lần, một phụ nữ phải bỏ mạng vì không được truyền máu kịp thời.
Tình trạng khủng hoảng tại Douma thôi thúc ông Tobaji cùng các đồng sự và người dân ký vào lá đơn kêu gọi ngừng bắn nhân đạo. Ông hy vọng hành động này sẽ giúp mở ra cơ hội đối thoại giữa chính quyền và quân nổi dậy, từ đó chấm dứt nội chiến.
"Ngay lúc này khi chúng ta đang bàn luận, một người dân Syria nào đó đã bị giết. Bằng cách nào cũng được, chúng ta phải đưa ra giải pháp chấm dứt cuộc chiến này", Tobaji nói. Giải pháp ấy "có thể không có lợi cho tôi hoặc nhiều người khác nhưng nó vốn không dành cho tôi hay cho anh. Nó là dành cho Syria".
Gia Quang