Sau khi thủ tướng Nhật tới thăm ngôi đền thờ các binh sĩ chết trận, bao gồm cả các tội phạm chiến tranh, Trung Quốc đã có những phát ngôn mạnh mẽ. Động thái này được cho là nhằm ngăn chặn nguy cơ nổ ra những cuộc biểu tình chống Nhật, cũng như ngăn chặn việc nảy sinh sức ép đòi hỏi phải tấn công Nhật Bản trên biển và trên không ở Hoa Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng lên nắm quyền tại hai đất nước khoảng một năm nay. Họ đều có tham vọng tăng cường sức mạnh quân sự, trong khi hai nước tồn tại tranh chấp chủ quyền trên biển.
Ông Tập, 60 tuổi, phải cân bằng giữa những lời đòi hỏi mạnh tay với Nhật và vừa đảm bảo ổn định xã hội trong nước. Với ông Abe, 59 tuổi, chuyến thăm đền Yasukuni vốn chắc chắn sẽ khiến quan hệ kinh tế với Trung Quốc bị ảnh hưởng, ngoài ra lại khiến Mỹ, đồng minh hàng đầu của Nhật, thất vọng.
"Việc này sẽ làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã căng thẳng", Dorothy Solinger, giáo sư về chính trị học tại Đại học California, Mỹ, nói về chuyến thăm đền thờ của thủ tướng Nhật, sự kiện khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phản đối ngay sau chỉ một giờ đồng hồ.
"Những cuộc biểu tình chống Nhật và hiện tượng tẩy chay Nhật Bản sẽ xảy ra, mặc dù được hạn chế ít nhiều bởi chính quyền", Solinger nhận định và nói rằng phản ứng này có nhiều khả năng xảy ra hơn những hành động về quân sự hoặc kinh tế.
Căng thẳng giữa hai nước bắt đầu tăng cao từ năm ngoái khi Trung Quốc và Nhật Bản liên tục điều các tàu và máy bay tới khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông. Nhật Bản quyết định quốc hữu hóa quần đảo không người trên biển này từ những chủ sở hữu tư nhân vào tháng 9/2012, gây nên làn sóng biểu tình trên khắp Trung Quốc và gây ảnh hưởng lớn đến kim ngạch thương mại song phương có trị giá 336 tỷ USD.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng, ông Abe kêu gọi tổ chức gặp thượng đỉnh với ông Tập Cận Bình để hàn gắn mối quan hệ. Tuy nhiên, chuyến thăm tới đền Yasukuni đã loại bỏ khả năng đàm phán cấp cao, Taylor Fravel, giáo sư về quan hệ của Trung Quốc và các nước láng giềng tại Học viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ, dự đoán.
"Ông Tập dường như chắc chắn sẽ không gặp ông Abe nếu ông Abe còn giữ cương vị thủ tướng. Hai bên cần đạt những thỏa thuận có thực chất để giảm tình thế đối đầu", Fravel nói.
Trong tháng 11, Trung Quốc đã công bố Vùng Nhận dạng Phòng không bao trùm các đảo tranh chấp với Nhật, khiến Tokyo, Seoul và Washington đều phản đối. Phó tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm tới khu vực hồi tháng 12 phải đề nghị các nhà lãnh đạo Trung, Nhật tìm cách "hạ nhiệt căng thẳng" của họ.
Nhưng chuyến thăm hôm qua của thủ tướng Nhật lại khiến Mỹ "thất vọng" và cho rằng "sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên", Đại sứ quán Mỹ hôm qua cho hay.
Giám đốc chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu EU, bà Catherine Ashton, cũng tuyên bố rằng hành động là "không có lợi cho việc giảm căng thẳng trong khu vực hay cho việc cải thiện quan hệ với nước láng giềng".
"Trung Quốc sẽ vẫn theo con đường cứng rắn với vấn đề đảo tranh chấp (Senkaku/Điếu Ngư)", Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, dự đoán. "Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển quân sự, đặc biệt là khả năng phóng tên lửa tầm xa, mà Nhật Bản chính là mục tiêu", ông Shi nói thêm.
Trung Quốc, hiện có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ, đã đưa vào hoạt động tàu sân bay đầu tiên từ tháng 9/2012 vàcó những bước tiến với máy bay không người lái, máy bay tàng hình. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc được ấn định tăng 10,7% trong năm nay. Ở Nhật Bản, ông Abe năm qua lần đầu tiên tăng ngân sách quốc phòng của Nhật sau 11 năm. Bộ Quốc phòng Nhật đang đề xuất một mức tăng nữa cho năm tới, đẩy chi tiêu quân sự dự kiến lên cao nhất kể từ năm 2005.
Vũ Hà (theo Bloomberg)