Tại lễ công bố vào 13h ngày 7/10 (giờ địa phương, tức 18h - giờ Hà Nội), đại diện Viện hàn lâm Thụy Điển công bố Abdulrazak Gurnah được trao giải vì "sự thâm nhập, không khoan nhượng và đầy trắc ẩn, sâu vào những hệ quả của chủ nghĩa thực dân và số phận những người tị nạn đang lưu vong giữa các nền văn hóa và lục địa". Người chiến thắng nhận phần thưởng 10 triệu krona Thụy Điển (25,9 tỷ đồng).
Từ sau chiến thắng năm 1986 của tác giả Nigeria - Wole Soyinka, Abdulrazak Gurnah là người gốc Phi đầu tiên được vinh danh tại Nobel. Anders Olsson, Chủ tịch Ủy ban Nobel cho biết các tiểu thuyết của ông, từ sách đầu tay Memory of Departure đến tác phẩm gần nhất - Afterlives, đều "tráng lệ", khiến người đọc mở rộng tầm mắt về nền văn hóa Đông Phi vốn còn xa lạ với thế giới.
Gurnah sinh ra và lớn lên trên đảo Zanzibar (Tanzania) nhưng đến Anh tị nạn vào cuối những năm 1960. Ông đã xuất bản mười tiểu thuyết và một số truyện ngắn, chủ đề xuyên suốt về những người lưu vong. Các tác phẩm nổi tiếng của ông gồm: tiểu thuyết Paradise (1994), vào danh sách đề cử cuối cùng của giải Booker và Whitbread Prize, Desertion (2005) và By the Sea (2001), vào danh sách rút gọn của giải Los Angeles Times Book Award.
Từ năm 1980 đến năm 1982, Abdulrazak Gurnah giảng dạy tại Đại học Bayero Kano ở Nigeria. Sau đó, ông chuyển đến Đại học Kent (Anh), dạy văn học và lấy bằng tiến sĩ năm 1982. Hiện ông giữ học hàm giáo sư. Ông có nhiều bài viết liên quan đến chủ nghĩa thực dân, các quốc gia ở châu Phi thời kỳ hậu thuộc địa. Ông dành nhiều thời gian nghiên cứu các công trình về văn học châu Phi, cách viết của các nhà văn như V. S. Naipaul, Salman Rushdie, Zoë Wicomb, Anthony Burgess, Joseph Conrad, George Lamming và Jamaica Kincaid.
Chủ nhân mới của giải Nobel Văn học năm nay là tên tuổi xa lạ với đa số độc giả thế giới. Nhiều người bày tỏ ngỡ ngàng với quyết định của Viện Hàn lâm. Trên trang web của giải, 95% trong số 1.138 độc giả trả lời họ chưa từng đọc tác phẩm nào của ông.
Trước mùa giải năm nay, Nobel Văn học vinh danh 117 cá nhân, trong đó có 111 tác giả nam và 16 cây bút nữ. Năm 2019, Viện Hàn lâm Thụy Điển hứa hạn chế "trọng nam" và "thiên vị châu Âu". Tuy nhiên, họ lại trao giải cho hai nhà văn châu Âu trong năm đó - Olga Tokarczuk (người Ba Lan) và Peter Handke (người Áo). Việc chọn nhà văn gốc Phi Abdulrazak Gurnah là nỗ lực thay đổi của ban tổ chức giải.
Vài giờ trước lễ công bố, trên mạng xã hội, nhiều độc giả gọi tên Margaret Atwood, Ngugi wa Thiong’o và Haruki Murakami với nhiều bình luận mong các tác giả này chiến thắng. Theo Guardian, giới văn chương quốc tế dự đoán nhà văn Pháp Annie Ernaux giành giải. Cây bút Alex Shephard của tờ New Republic đánh giá sự lựa chọn này an toàn, tránh gây tranh cãi hơn Bob Dylan (2016).
Năm ngoái, nhà thơ Mỹ Louise Glück được vinh danh. Viện Hàn lâm Thụy Điển ca ngợi nhờ "một giọng thơ không lẫn vào đâu được, với vẻ đẹp nghiêm khắc khiến sự tồn sinh của cá nhân trở nên phổ quát".
Vài năm gần đây, Nobel Văn học vướng nhiều tranh cãi. Giải thưởng năm 2018 bị hủy do Jean-Claude Arnault, chồng của nhà thơ Katarina Frostenson - thành viên chủ chốt trong Hội đồng Viện Hàn lâm Thụy Điển - bị tố cáo lạm dụng nhiều phụ nữ. Ngoài ra, ông đã làm rò rỉ tên người chiến thắng bảy lần, kể từ năm 1996. Chủ nhân giải thưởng năm 2019 - ông Peter Handke - bị tẩy chay vì từng công khai bảo vệ chính trị gia quá cố - Slobodan Milosevic. Trong một cuộc phỏng vấn đăng trên website giải, Ellen Mattson - thành viên Viện Hàn lâm - nói điều duy nhất hội đồng quan tâm là giá trị văn học, thay vì bận tâm cuộc sống, quan điểm riêng tư của các cây bút.
Nobel Văn học là một trong sáu hạng mục của giải Nobel, được trao cho tác giả từ bất kỳ quốc gia nào, theo di chúc của nhà hóa học Alfred Nobel. Viện Hàn lâm Thụy Điển sẽ lựa chọn người thắng cuộc. Họ không bao giờ hé lộ dấu hiệu về nhân vật có khả năng đoạt giải cho tới khi công bố kết quả. Danh sách rút gọn của các ứng viên sẽ được tiết lộ 50 năm sau đó. Giải lần đầu được trao cho nhà thơ Pháp - Sully Prudhomme - năm 1901.
Hà Thu